Giáo dục

Hơn 200.000 học sinh tiểu học Nghệ An bị cắt giảm số tiết vì thiếu giáo viên

Dạy học 2 buổi/ngày là một tiêu chí quan trọng đối với các trường chuẩn quốc gia ở bậc tiểu học. Nhưng, ở Nghệ An, năm học này, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh buộc phải cắt giảm số tiết hoặc nguy cơ xóa bỏ 2 buổi học/ngày do thiếu giáo viên và không có kinh phí để chi trả giáo viên dạy thêm giờ.

Trường Tiểu học Lê Lợi (Thành phố Vinh) có gần 2.000 học sinh và là một trong những trường có số lượng học sinh đông nhất tỉnh. Năm học này, số học sinh vào lớp 1 của trường lại tăng vượt bậc với 14 lớp nên dù đã được tăng cường thêm giáo viên nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra trầm trọng.

Hiện, nhà trường đang phải hợp đồng thêm 7 giáo viên dù rằng năm học này số tiết học đã được giảm từ 35 tiết xuống 33 tiết. Trong khi đó, kinh phí để chi trả cho giáo viên, nhà trường chưa biết “xoay” vào đâu khi mà đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn thu thêm tiền buổi học thứ 2 như các năm học trước.

Cô và trò Trường Tiểu học Thị trấn Tân Kỳ. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, từ năm học 1995 - 1996, một số trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức học 2 buổi/ngày. Sau này, việc học 2 buổi/ngày là một trong những tiêu chí quan trọng để công nhận trường chuẩn quốc gia. Đến năm học 2017-2018 toàn tỉnh có 98,8% số học sinh tiểu học được tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày theo 2 mức độ: 35 tiết/tuần đối với vùng thuận lợi, 30 tiết/tuần đối với vùng khó khăn. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở tiểu học đã đạt 85,6%. Trong khi đó, tỷ lệ chung của cả nước chỉ đạt khoảng hơn 70%.

Liên quan đến việc dạy học 2 buổi/ngày, ngày 20/4/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1517 /QĐ-UBND ngày 20/4/2015 để hướng dẫn việc thực hiện. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo theo nguyên tắc: Tự nguyện tham gia học và đóng góp kinh phí, tự thỏa thuận về mức đóng góp đảm bảo thu đủ bù chi (Hướng dẫn thu chi các năm học 2015-2016 đến 2017-2018).

Thống kê, ở các năm học trước, số học sinh học 2 buổi/ngày bằng đóng góp xã hội hóa là khoảng 224.559 em/249.150 em. Tổng kinh phí huy động từ nguồn đóng góp của phụ huynh là 134,8 tỷ đồng. Kinh phí thu được bảo đảm chi trả mức lương tối thiểu cho giáo viên dạy tăng tiết, giáo viên hợp đồng dạy Ngoại ngữ, Tin học trong điều kiện biên chế giáo viên tiểu học vùng thuận lợi chỉ mới được UBND tỉnh bố trí mức 1,25 GV/lớp (biên chế dạy học 1 buổi/ngày). Ở các vùng khó khăn, vùng cao, UBND tỉnh chủ trương bố trí đủ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Năm học này học sinh Trường Tiểu học Đôn Phục (Con Cuông) chỉ còn học 26 tiết. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, ở năm học này, việc huy động kinh phí cho việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn vì đến thời điểm này, UBND tỉnh đang chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện Quyết định 1517 và tỉnh cũng chưa ban hành hướng dẫn thay thế. Chính vì vậy, dù năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng nhưng các trường chưa thể triển khai thu dạy học buổi thứ 2 và các trường bắt đầu rơi vào tình trạng phải nợ lương giáo viên. Một số huyện, hàng chục giáo viên hợp đồng buộc phải nghỉ dạy vì không có lương chi trả. Thống kê toàn tỉnh, bậc tiểu học đang thiếu hơn 2.000 giáo viên.

Tình trạng này, buộc các trường phải cắt giảm số tiết học, dù đây là tiêu chí bắt buộc ở các trường chuẩn. Như ở Trường Tiểu học Đôn Phục (Con Cuông), năm nay nhà trường chỉ dạy 26 tiết/30 tiết theo quy định (đối với vùng cao). Vì thế, các năm trước mỗi tuần nhà trường duy trì 4/5 buổi dạy 2 buổi/ngày thì năm nay chỉ còn 2/5 buổi học. Điều đáng nói, đây lại là trường chuẩn quốc gia. Thực trạng này, cũng diễn ra ở các huyện vùng cao khác.

Trên toàn tỉnh, nếu như các năm trước, ngành Giáo dục quy định 35 tiết/tuần đối với vùng thuận lợi, 30 tiết/tuần đối với vùng khó khăn. Nhưng năm nay, ngành hướng dẫn giảm xuống từ 2 - 3 tiết/tuần. Do số tiết giảm, nên các trường học buộc phải cắt giảm các tiết ngoại khóa; hướng dẫn tự học...Học sinh cũng phải học nặng hơn vì các trường phải ưu tiên các tiết học về văn hóa.

Tiết học thể dục của học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Thực trạng này kéo dài dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng của giáo dục tiểu học trong năm học này. Chưa kể, hàng trăm trường chuẩn sẽ nguy cơ "mất chuẩn" vì không đảm bảo được số tiết theo quy định. Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã xây dựng 2 dự thảo thay thế Quyết định 1517 nhưng chưa được thông qua. Về phía các trường, nguyện vọng lớn nhất là bố trí đủ giáo viên. Hoặc, sớm có hướng dẫn về thu dạy học 2 buổi/ngày.

Xa hơn, tỉnh cần bố trí đủ ngân sách hoặc có chính sách hỗ trợ một phần cho các nhà trường để chi trả lương cho giáo viên giống như các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và một số tỉnh khác trên toàn quốc để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP