Giáo dục

Chứng chỉ 'hành' giảng viên trường nghề

Nhiều giảng viên cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cho rằng, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hiện nay giống như một loại “giấy phép con”.

Mỗi giảng viên trường cao đẳng, trung cấp đứng lớp phải có ít nhất gần chục chứng chỉ nghề nghiệp, kỹ năng

Hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được chuyển từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐTB&XH quản lý đều “vấp” về chứng chỉ kỹ năng nghề. Trước đây, giáo dục nghề nghiệp tồn tại hai hệ thống song song trực thuộc hai bộ nên có hai hệ thống chứng chỉ nghề nghiệp, chứng chỉ quản lý tương ứng.

Khi các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chuyển về Bộ LĐTB&XH, từ giảng viên đến quản lý tuy có chứng chỉ thuộc hệ thống của Bộ GD&ĐT đều phải học để được cấp chứng chỉ tương ứng theo yêu cầu của Bộ LĐTB&XH.

Ví dụ, với giảng viên, dù đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vẫn phải học để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; với cấp quản lý, dù có chứng chỉ quản lý giáo dục vẫn phải đi học để có chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Thậm chí, một người có bằng tiến sĩ quản lý giáo dục vẫn phải đi học quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp để được bổ nhiệm hiệu trưởng trường cao đẳng. Đối với những trường trung cấp, cao đẳng thuộc nhóm ngành sức khỏe, chương trình đào tạo cấp chứng chỉ này mới được ban hành gần đây nên rất ít người có chứng chỉ.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nói rằng, ông ủng hộ việc giảng viên, nhà quản lý phải thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng các cơ quan quản lý cần tích hợp các nội dung học trong mỗi chứng chỉ cho hợp lý.

Cứng nhắc

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nói rằng, giảng viên ở trường cao đẳng đã có bằng tốt nghiệp về chuyên môn giảng dạy và được Nhà nước công nhận; đồng thời được một cơ sở giáo dục tuyển dụng đồng nghĩa với việc đã được chuẩn hóa về tay nghề.

Theo ông Dong, cán bộ, giảng viên là giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ thì đã đạt được chuẩn nghiên cứu, giảng dạy ở một bậc học cao, vì thế, không nên yêu cầu phải học thêm những kỹ năng khác. Những giảng viên này hoàn toàn đủ tư cách, trình độ để làm những công việc theo đúng lĩnh vực họ được đào tạo.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đặc thù của đào tạo trung cấp, cao đẳng là thực hành 70%, lý thuyết 30%, nên phần lớn giảng viên dạy thực hành hoặc dạy tích hợp lý thuyết và thực hành, cũng có giảng viên chỉ dạy lý thuyết. Như vậy, giảng viên dạy thực hành phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để đảm bảo chất lượng.

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP