Kinh tế

Khách hàng Bách Hóa Xanh bức xúc vì mất tiền oan

Những ngày qua, không ít khách hàng bức xúc vì khi mua hàng tại Bách Hóa Xanh bị nhập sai số lượng hàng hóa, sai mã hàng, giá cả trên kệ hàng khác xa so với lúc tính tiền.

Khách hàng bức xúc vì mất tiền oan

"Làn sóng" phản ứng về giá bán một số mặt hàng trong hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh đang rầm rộ. Nhiều khách hàng cho rằng những hóa đơn tính tiền của họ đắt đỏ.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn phản ánh những nhầm lẫn xảy ra ở khâu tính tiền tại Bách Hóa Xanh.

Thông tin về giá bán cao của Bách Hóa Xanh được lan truyền "chóng mặt" (Ảnh: T.L).

Chị Lê (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, ngày 17/7, chị mua 1kg chân gà tại Bách Hóa Xanh trên đường Bình Quới với giá 68.000 đồng. Sau đó, khách sang một siêu thị khác gần đó mua chân gà với giá chỉ 51.000 đồng/kg.

"Tôi mua cùng một loại xúc xích thì Bách Hóa Xanh có giá 46.000 đồng/250 gram và siêu thị khác là 41.500 đồng/250 gram. Trước đây, tôi không chú ý giá cả nhưng gần đây đã để ý hơn khi mua hàng ở Bách Hóa Xanh. Tôi không hài lòng về giá bán của siêu thị này", chị Lê nói.

Anh Hiếu (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), kể không ít lần anh bị thiệt hại khi mua hàng tại Bách Hóa Xanh. Gần đây nhất, ngày 16/7, anh mua 18 quả trứng vịt, trên kệ ghi giá 4.000 đồng/trứng nhưng khi tính tiền, số lượng tăng lên 30 quả và giá là 4.300 đồng/trứng.

"Tôi tính toán là mình trả 72.000 đồng tiền trứng là xong, nhưng khi ra hóa đơn là 129.000 đồng. Tôi tá hỏa kiểm tra lại thì sai số lượng trứng, giá trên kệ khác với giá tính tiền. Khi tôi đưa ra bằng chứng thì nhân viên Bách Hóa Xanh mới nhận lỗi và hoàn lại tiền. Nếu về nhà, bóc sản phẩm ra dùng thì tôi đã mất ngay 57.000 đồng và ôm sự khó chịu vào lòng", anh Hiếu nói.

Những hóa đơn tính tiền nhầm lẫn được người dân đăng tải (Ảnh: T.L).

Còn anh Toản (ngụ quận 12, TPHCM) chia sẻ, ngày 17/7, anh cũng đến Bách Hóa Xanh mua hàng, dù không mua cà chua nhưng trong hóa đơn tính tiền vẫn có 2kg.

"Tôi phát hiện và yêu cầu nhân viên Bách Hóa Xanh xử lý. Họ xin lỗi vì sự nhầm lẫn nhưng tôi cảm thấy bực. Nếu không chú ý, tôi đã mất tiền rồi", anh Toản cho biết.

Nhiều người dân khác tại TPHCM thông tin, họ cũng gặp phải việc tính tiền nhầm lẫn khi mua hàng ở Bách Hóa Xanh. Trong dịch bệnh, nhiều người muốn mua hàng nhanh chóng để trở về nhà, nhưng sự cố tính tiền khiến họ phải ở lại siêu thị lâu hơn để giải quyết. Việc này dẫn đến bức xúc và khó chịu với khách hàng.

Không chỉ tại TPHCM, một số cửa hàng Bách Hóa Xanh tại các tỉnh thành khác cũng bị phát hiện một số vấn đề. Mới đây, lực lượng chức năng cũng xử lý một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Đắk Lắk vì niêm yết một đằng bán hàng giá một nẻo. Tương tự, một cửa hàng thương hiệu này tại Sóc Trăng cũng mới bị lập biên bản vì bán hàng giá cao hơn niêm yết.

Đại diện Bách Hóa Xanh thừa nhận, việc nhầm lẫn khi tính tiền do lỗi cá nhân ở từng cửa hàng cục bộ, đặc biệt những thời điểm mua sắm đông đúc.

"Đây không phải là chủ trương của công ty. Chúng tôi mong khách hàng chịu khó kiểm tra lại hóa đơn tính tiền trước khi rời quầy, nếu sai sót nhân viên sẵn sàng nhận lỗi và hoàn tiền cho khách. Nếu giá niêm yết thấp hơn giá tính tiền cho khách do việc thay tem giá chưa kịp thời, chúng tôi sẽ tính tiền mức giá thấp hơn", đại diện Bách Hóa Xanh khẳng định.

Theo đại diện siêu thị này, một số mặt hàng ở đây có giá cao hơn siêu thị khác nhưng cũng có những mặt hàng giá thấp hơn.

Theo đại diện siêu thị, trên thực tế, giá bán tại các siêu thị có sự chênh lệch bởi mỗi hệ thống có nhà cung cấp khác nhau, chất lượng sản phẩm khác nhau. Do đó, giá bán sẽ có sự khác biệt.

Một cửa hàng Bách Hóa Xanh có lượng khách mua thưa thớt trong buổi chiều 18/7 (Ảnh: Đại Việt).

Bách Hóa Xanh được gì, mất gì?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc một số cửa hàng Bách Hóa Xanh, trong đó có cửa hàng ở Đắk Lắk, niêm yết giá một đằng, bán giá một nẻo là hành động thiếu nhân văn, đáng lên án trong bối cảnh đại dịch bùng phát.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác đang cố gắng, nỗ lực phân phối, cung ứng hàng hóa để đảm bảo nhu cầu cung ứng, thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức còn đứng ra quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm thì câu chuyện trên là đáng chú ý. Hành động tăng giá bán của Bách Hóa Xanh, theo chuyên gia này, thậm chí còn gây phản cảm.

"Việc tăng giá bán so giá niêm yết đã là sai, dù cửa hàng này có tăng ít hay tăng nhiều. Giả sử, tăng giá một quả trứng lên vài đồng, không đáng kể gì nhưng đặt trong tình huống số lượng trứng ấy lên tới hàng vạn, hàng triệu quả trong lúc dịch bệnh hoành hành thì đây không còn là con số nhỏ nữa. Thứ hai, trong làm ăn, kinh doanh, việc giữ uy tín rất là quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển và tồn tại của doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh, việc xây dựng uy tín doanh nghiệp rất mất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc nhưng đôi khi để đánh mất uy tín lại rất nhanh, rất đơn giản. Bởi vậy, đây không chỉ là bài học dành riêng cho Bách Hóa Xanh mà còn cho nhiều doanh nghiệp khác.

Để làm được điều đó, chuyên gia đưa ra gợi ý, thứ nhất là doanh nghiệp phải tự tổ chức, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm xử lý với các trường hợp vi phạm. Thứ hai là các doanh nghiệp thường xuyên giáo dục, nâng cao tính trung thực của nhân viên, nâng cao trình độ giao tiếp với khách hàng. Thứ ba là uy tín của doanh nghiệp nên được xây dựng từ những hành vi rất nhỏ. Còn các cơ quan chức năng hãy xử phạt mạnh tay, nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia marketing Đỗ Hòa nhận định việc Bách Hóa Xanh ở Đắk Lắk tăng giá bán một số mặt hàng đang tạo ra tâm lý bức xúc trong dư luận. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.

"Sự việc trên có tác động, ảnh hưởng, kéo dài tới doanh nghiệp hay không sẽ phụ thuộc vào cách ứng xử khủng hoảng của doanh nghiệp. Bởi câu chuyện thì đã xảy ra, người dân đang bức xúc như thế thì người phát ngôn, đại diện của doanh nghiệp lên tiếng, giải thích có được chấp nhận hay không là một dấu hỏi lớn. Vì khi ấy ít nhiều mọi người đã có những cảm nhận tiêu cực, không được tốt về doanh nghiệp", ông nói.

Do đó, theo ông Hòa, việc xử lý khủng hoảng truyền thống vào thời điểm này, ngoài thông minh, tinh tế còn phụ thuộc lớn vào thái độ, ứng xử của doanh nghiệp trước sự việc.

Quản lý thị trường TPHCM nói gì?

Trao đổi với Dân trí, ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM - cho biết, trước thông tin Bách Hóa Xanh tăng giá bán, lực lượng QLTT đã kiểm tra các siêu thị của hệ thống này.

Kiểm tra 232/561 siêu thị, lực lượng chức năng nhận thấy giá bán tại Bách Hóa Xanh không tăng quá cao so với thị trường.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi giá bán tại các siêu thị Bách Hóa Xanh cũng như nhiều địa điểm kinh doanh khác trên địa bàn thành phố. Dịch bệnh có thể sẽ kéo dài nên việc giám sát, kiểm tra giá sẽ thực hiện thường xuyên. Đây là nội dung mà Tổng cục trưởng QLTT chỉ đạo TPHCM và các tỉnh phía Nam", ông Ba nói.

Cũng theo ông Ba, Cục QLTT sẽ tiếp tục đôn đốc các Đội QLTT theo dõi, bám sát tình hình cung ứng hàng hóa cũng như giá cả tại TPHCM trong những ngày tới một cách chặt chẽ.

Tác giả: Đại Việt - Hoàng Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP