Xã hội

Hàng trăm hồ đập xuống cấp trước mùa mưa lũ ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh

Các tỉnh Miền trung đã bước vào mùa mưa lũ, nhưng ở khu vực các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh vẫn đang có cả trăm hồ, đập xuống cấp, hỏng hóc, một số ít khác thì vẫn trong quá trình sửa chữa. Mỗi năm cứ đến mùa mưa bão, nỗi lo mất an toàn hồ đập tại các địa địa phương này lại hiện hữu.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, toàn tỉnh hiện đang có 1.061 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có hơn 963 hồ đập do địa phương quản lý, 98 hồ đập do doanh nghiệp thuỷ lợi quản lý. Trong đó, nhiều hồ, đập có dung tích lên đến hàng triệu mét khối nước, trực tiếp cấp nước tưới tiêu cho hàng nghìn hécta hoa màu của người dân.

Trên địa bàn các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đang có hàng trăm hồ, đập xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người dân trong mùa mưa bão


Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại tỉnh này đang có đến hơn có 709 hồ đập chưa kiên cố, có nguy cơ mất an toàn, trong đó có đến 252 hồ đập đã xuống cấp trầm trọng cần được nâng cấp, sửa chữa khẩn trương trong thời gian tới.

Tình trạng các hồ chứa cũng chẳng khả quan hơn là bao. Hiện nay, đáng lo nhất là các công trình hồ chứa do địa phương quản lý lâu năm nên không đồng bộ từ đâu mối đến hệ thống kênh mương. Nhiều hồ chứa hư hỏng nhưng chưa được sữa chữa nâng cấp, ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa dẫn đến hạn chế khả năng tưới, tiêu.

Được biết, rất nhiều hồ, đập ở Nghệ An được xây dựng đã xây dựng hơn nửa thế kỷ, trải qua nhiều đơn vị thay nhau quản lý nên đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn trong mùa mưa bão. Hiện có 2 hồ chứa lớn nhất ở Nghệ An, là hồ chứa nước Vực Mấu thị xã Hoàng Mai và hồ chứa Sông Sào ở huyện Nghĩa Đàn hiện nay vẫn đang còn những khó khăn trong khâu vận hành khi mùa mưa bão đến.

Hồ chứa nước Vực Mấu thị xã Hoàng Mai được đầu tư nâng cấp từ những năm 2009, có trữ lượng thiết kế 75 triệu m3 nước. Ngoài việc tưới cho trên 4.600ha đất canh tác, công trình này còn cấp nước sinh hoạt cho gần 40.000 hộ dân khu đô thị Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, cấp nước cho công nghiệp 11,388 triệu m3/năm. Trước mùa mưa lũ năm nay, hệ thống báo mực nước, đo mưa đã bị hỏng, công nhân phải thực hiện bằng thủ công.

Còn hồ chứa nước Sông Sào được khởi công xây dựng từ 1999, đạt dung tích 51,42 triệu m3 được đánh giá là công trình phục vụ đa mục tiêu. Trước mùa mưa lũ năm nay cũng gặp những khó khăn như: không có trạm quan trắc, đo mưa ở lòng hồ, vì vậy phải quan trắc, đo mưa bằng thủ công. Tại công trình chưa có máy phát điện nên khi mất điện phải sử dụng nhiều lao động để quay cửa tràn, ảnh hưởng đến khâu vận hành an toàn hồ chứa. Khi mực nước lên cao xả tràn đạt 3 cửa cũng gây ngập úng cho các hộ dân ở xã Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, thị trấn Nghĩa Đàn (Nghĩa Đàn).

Hay mới đây tại đập Bàn Vàng, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, được xây dựng từ năm 1963, có trữ lượng 1 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho 38 ha/năm hoa màu và lúa. Mới đây ngày 15/9, thân đập Bàn Vàng đã bị vỡ khoảng 20 m, nước tràn xuống vùng hạ du, khiến các hộ dân nơi đây đã phải di dời để đảm bảo an toàn.

Các hồ đập xuống cấp, hư hỏng đe dọa vùng hạ lưu

Không chỉ các hồ, đập ở Nghệ An xuống cấp, hồ, đập ở Hà Tĩnh cũng trong tình trạng thiếu an toàn. Số liệu từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn hiện có 351 hồ thủy lợi, với tổng dung tích chứa hơn 1.575 triệu m3 nước, trong đó có 324 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, hoặc có chiều cao đập từ 5m trở lên. Trong đó có gần 200 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, với nguy cơ mất an toàn đang hiện hữu tại 59 hồ, đập bị hư hỏng nặng, cần được sửa chữa. Hằng năm, hệ thống hồ đập đã cung cấp nước tưới cho hơn 29.000 ha đất trồng lúa/vụ và cây trồng cạn, cấp nước phục vụ công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.

Phần lớn các hồ chứa ở Hà Tĩnh đều được xây dựng khá lâu, đều đã sử dụng trong khoảng thời gian từ 40 đến 50 năm, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên đến nay đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh - với đặc thù thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hồ thủy lợi. Tuy vậy, do điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp và rất khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, sửa chữa hồ đập lớn, cấp bách. Do đó, địa phương mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa các công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn cao.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng mất an toàn hồ đập thủy lợi vào thời điểm mùa mưa lũ đến; tính mạng, tài sản của người dân và hoa màu ở các vùng hạ lưu của hồ đập vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn ở các thời điểm mưa lớn kéo dài, nhất là trong các năm gần đây, mưa lũ diễn biến rất bất thường.

Nhiều hồ chứa được làm bằng đất đắp nên rất yếu, vào mùa mưa lũ khi lượng nước trong hồ dâng lên đã dẫn đến nguy cơ vỡ đập bao rất cao

Nguyên nhân là do tỉnh Nghệ An có nhiều hồ đập được thiết kế, thi công đã từ rất lâu nên chất lượng đã xuống cấp. Do biến đổi khí hậu, lượng mưa có cường độ lớn hơn, thời gian tập trung lượng mưa cũng mạnh hơn trước nên tần suất cũng như thông số thiết kế của các hồ đập trước đây không đáp ứng được so với thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, kinh phí hàng năm phục vụ việc sửa chữa, gia cố hồ đập, đê điều cũng hạn hẹp.

"Bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, thời gian qua Nghệ An đã nâng cấp được trên 200 hồ chứa ách yếu có quy mô từ 2-3 triệu m3 nước. Cơ bản các hồ chứa đều đảm bảo phòng, chống lũ tốt và tích nước gieo cấy các vụ lúa - ông Nguyễn Văn Đệ cho biết thêm.

Về giải pháp bảo đảm an toàn tại các hồ chứa nguy cơ mất an toàn cao, nhưng chưa có kinh phí để nâng cấp, tu bổ, lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều cho biết, trước mắt địa phương đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hiện trạng các hồ đập để xây dựng phương án mở rộng, hạ thấp tràn hoặc mở thêm tràn xả lũ phụ để tăng khả năng tháo lũ. Đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn, đã khuyến cáo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức phù hợp.

Cùng với đó, tổ chức nhân lực, vật tư dự phòng chuẩn bị tốt phương án "4 tại chỗ" để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Trên cơ sở kiểm tra công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn, các địa phương đã xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, rà soát đánh giá khả năng thoát lũ sau tràn các hồ chứa; tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là các thành phố, thị xã, khu công nghiệp.

Đối với các công trình hỏng hóc có nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân thì chính quyền địa phương cũng đề nghị các chủ công trình phải cắt cử người túc trực 24/24 khi có mưa, lũ lớn xảy ra...

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP