Trong nước

Tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hi sinh do đại dịch Covid-19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao MTTQ Việt Nam phối hợp với TP HCM, các địa phương liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh do đại dịch Covid-19.

Sáng nay 11-11, phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vấn đề lao động, việc làm, vấn đề xã hội nói chung, nhất là trong điều kiện bị tác động nặng nề do dịch Covid-19, những định hướng, giải pháp để giảm thiểu thiệt hại; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển thị trường lao động, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề bức thiết, thu hút sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

"Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay, tôi xin phép thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TP HCM, các địa phương liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh do đại dịch Covid-19 tại TP HCM, các tỉnh phía Nam bằng hình thức trực tuyến kết nối với một số tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề mà một số đại biểu Quốc hội quan tâm, đề xuất trong phiên họp này" - Chủ tịch Quốc hội cho biết và đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP HCM và các địa phương để tổ chức thật tốt lễ tưởng niệm.

Đối với vấn đề cụ thể liên quan phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư từ ngày 27-4 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế, việc làm và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có phần trách nhiệm quản lý nhà nước, hơn 1,3 triệu người dân đã nhiều đợt rời bỏ TP HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam về quê. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ cần phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong cả nước, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm, giải quyết việc làm cho người lao động của các tỉnh, thành khác trong cả nước khi mà người lao động đã trở về quê.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ lao động và người lao động, bảo đảm cho mọi người được tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi đặt trong tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó lưu ý các vấn đề về bình đẳng giới, hỗ trợ người lao động nữ, lao động nhập cư, lao động tự do trong khu vực phi chính thức và những người yếu thế trong xã hội. Cần lưu ý các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong việc thích ứng và thực hiện một số các mô hình sản xuất trong điều kiện đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến việc tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là bảo trợ xã hội đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, tuyệt đối không để các em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa; tiếp tục tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em, nâng cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an, các địa phương khẩn trương làm rõ vấn đề dư luận quan tâm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm và tiêu cực trong lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bộ LĐ-TB-XH cần quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội, tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương đối với những nhóm đối tượng có mức lương thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đặt trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Tác giả: Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP