Xã hội

Tiếng Nghệ trong dân ca ví, giặm

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi từng viết “Gió lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn”. Tiếng Nghệ là đặc trưng riêng biệt, đồng thời là niềm tự hào của biết bao thế hệ cư dân vùng Nghệ Tĩnh. Tiếng Nghệ xuất hiện trong nghệ thuật nhiều nhất có lẽ là qua dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Từ trong những câu hát của nhân dân, tiếng Nghệ đã tô thắm những ân tình của người dân bản xứ, làm đẹp thêm đặc trưng văn hóa Nghệ Tĩnh bao đời...

Là một loại hình dân ca được thoát thai từ chính cuộc sống lao động sản xuất nên trong dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, lời ăn tiếng nói của người Nghệ xuất hiện rất nhiều. Sự xuất hiện dày đặc của từ địa phương Nghệ Tĩnh trong các bài ví, giặm, hò đã khiến dân ca ví, giặm có những giá trị đặc biệt không thể trộn lẫn. Những mô, tê, răng, rứa, chi, hè… không chỉ biểu thị cách nói mà còn biểu thị những sắc thái tình cảm đặc biệt của con người Xứ Nghệ.


Sự xuất hiện đậm đặc của từ địa phương trong nhiều bài ví, giặm giúp dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng.


Lắm khi cùng là một từ nhưng lại biểu thị những cảm xúc khác nhau như trong bài Ví ghẹo, từ “rứa” mà 2 đối trọng nam và nữ dùng lại biểu thị 2 trạng thái khác nhau: Khi chàng trai hát “Ờ... ơ, chứ anh đến giàn hoa thì hoa kia đã (ơ... ơ) nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông/ Anh đến tìm em thì em đã lấy (ơ) chồng/ Mà em yêu anh như (ơ... ơ) rứa/ Hỏi có mặn nồng mà lấy chi?” thì từ “rứa” là lời trách móc, hờn giận. Còn khi người con gái nói: “Ờ... ơ, chứ anh đến giàn hoa, hoa đến thì thì hoa phải (ơ... ơ) nở/ Anh đến bến đò, đò đầy thì đò phải sang (ơ... ơ) sông/ Chứ đến duyên em thì em phải lấy (ơ) chồng/ Mà em yêu anh như rứa, có mặn nồng thì tùy anh” thì từ “rứa” lại là một sự từ chối khéo léo, thẳng thắn mà không hề tàn nhẫn.

Tiếng Nghệ Tĩnh trong dân ca Xứ Nghệ ở nhiều bài đã thể hiện rất rõ văn hóa, tính cách con người Xứ Nghệ. Như trong bài ví Đi tìm người thương, tính cách mạnh mẽ, dứt khoát nhưng trọn nghĩa, trọn tình của người phụ nữ Nghệ Tĩnh biểu hiện rất rõ qua những từ địa phương: “Đã yêu thì yêu cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui thì giỡn bóng mà khi buồn thì bỏ đi”. Người Nghệ nổi tiếng là thẳng thắn, “gàn” nhưng trong rất nhiều tình huống, người ta lại thấy được sự tinh tế trong tâm hồn biểu thị qua ngôn ngữ như trong lời trách của chàng trai trong bài Ví ghẹo: “Dừ thì mự nói mự nỏ thương, cau chanh hạt trên (ơ) buồng, trù thì rụng cuống ngoài nương, (ơ) tiền thì đứt chạc trong rương, (ơ) lợn thì bỏ cám trong chuồng, (chư) chọng thì bỏ môốc trong buồng, bạc tình chi rứa mự, chi bạc tình (ơ) rứa mự...” người ta thấy rõ sự tinh tế, sâu sắc của người nông dân chân lấm, tay bùn. Đặc biệt, cau chanh hạt là một cụm từ độc nhất vô nhị, chỉ có trong cách nói của người Nghệ và chỉ có trong dân ca Xứ Nghệ. Thông thường, khi quả cau già, hạt không còn ngọt nữa mà chuyển sang chua thì người ta thường nói “cau già”, “cau long hạt” chứ nói “cau chanh hạt” là vừa chuyển tải được tính và hình của quả cau quá mùa, vừa thể hiện sự tinh tế trong cách nhìn, cách nói của người Nghệ.

Tiếng Nghệ Tĩnh trong nhiều bài hát ví, giặm còn thể hiện ở các vần chứa nguyên âm dài như: oong, ooc, ôông, enh, ec… Trong lịch sử phát triển của tiếng Việt, các vần này đến khoảng thế kỷ XVII thì biến đổi tương ứng sang các vần: ong, oc, ông, anh, ach. Nhưng trong tiếng Nghệ vẫn được giữ lại và tạo nên một lớp từ độc đáo, ví dụ như: méc (mách), eng/ ênh nớ (anh ấy), trôốc (đầu)… Như trong bài Ví phường cấy có từ “toóc”: “Người ơi, rồi mùa toóc rạ rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm” hoặc nhiều từ mang đậm tính địa phương trong một bài giặm kể: “Răng giừ (bao giờ) lươn lên rừng mần (làm) ổ/ Vượn chôống nôốc (chống thuyền) đi buôn/ Ròi độ gạy cành cơn (Ruồi đậu gãy cành cây)/ Nác (nước) đổ thấm lá môn/ Chuột khoét thủng Hoành Sơn/ Anh với em mì (mới) xa ngái (xa cách)/ Đôi lứa mình mì xa ngái”… Hiện nay, cách nói này chỉ tồn tại ở một số vùng của Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng điều đó giúp khẳng định ví, giặm chính là hơi thở, là đặc trưng của con người Xứ Nghệ.

Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp của con người mà còn phản ánh rõ nét văn hóa, lịch sử của mỗi một quốc gia, dân tộc cũng như của vùng, miền, địa phương. Sự xuất hiện đậm đặc của từ địa phương cũng như cách phát âm của người Xứ Nghệ trong dân ca ví, giặm đã khiến cái ân tình mộc mạc mà sâu lắng, giản dị mà tinh tế, rắn rỏi, cương quyết mà mặn mà tình nghĩa trước sau của người Xứ Nghệ bộc lộ rõ nét hơn.

Tác giả bài viết: Phong Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP