Xã hội

Chuyện người cựu chiến binh viếng mộ có tên mình ở nghĩa trang liệt sĩ

Tháng 7, giữa những dòng người tề tựu viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, có người cựu chiến binh (CCB) già quê ở Phú Thọ, đã lặng lẽ đi hết hàng mộ này đến hàng mộ khác. Bỗng ông khựng lại trước một bia mộ, bật khóc nức nở. “Tôi, Tân đây! Đồng chí nào nằm đây vậy?! Đồng chí nào nằm đây thay tôi vậy?!”…

Trong ký ức của người lính già Nguyễn Duy Tân (69 tuổi, quê quán xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), trận đánh địch ác liệt hơn 40 năm trước vào chiều 24/4/1972, ở Đông Hà, Quảng Trị như mới vừa diễn ra. Ông nhập ngũ tháng 2/1965, được biên chế vào Đại đội 20 trinh sát, Sư đoàn 308. Ông tham gia cả 3 chiến dịch lớn của sư đoàn, gồm chiến dịch Mậu thân 1968 đánh giặc ở Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị; chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971 và giải phóng Đông Hà 1972.
Ngày 24/4/1972, Đại đội của ông lúc đó đang chốt giữ ở căn cứ Gio An, huyện Gio Linh (cách Đông Hà chừng 20km), được lệnh khẩn trương vào trinh sát, nắm tình hình giặc tại khu vực sân bay dã chiến Đông Hà. Khoảng 5h chiều cùng ngày, nhiều tổ trinh sát, trong đó tổ của ông gồm 4 đồng chí, đã luồn sâu vào được vùng địch. Sau khi các tổ đã nắm bắt được tình hình, vẽ lại địa hình ở đây thì giặc triển khai lực lượng lớn tuần tra các điểm ở căn cứ và vùng xung quanh.

Trước tình thế vô cùng khó khăn, tổ trinh sát của ông đã quyết định đánh lạc hướng địch để các tổ còn lại thoát hiểm được an toàn, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà cấp trên giao cho. Các chiến sĩ chia thành 2 nhóm, đi song song và cách nhau (về hàng ngang) khoảng 20m và chủ động nổ súng vào bọn giặc.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Tân thắp hương viếng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Sau nhiều giờ chiến đấu, cầm chân địch, đồng chí Bình, Tiểu đội trưởng (quê huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái, nay là tỉnh Thái Nguyên) cùng với 2 đồng chí Hoa (quê tỉnh Thái Bình), Hồng (quê tỉnh Hòa Bình) đã hy sinh anh dũng; riêng ông bị địch vây bắt sống. Sau hơn một năm bị bắt làm tù binh, ông được trao trả tại Lộc Ninh, Tây Ninh.

Ông ở Đoàn an dưỡng Tây Ninh đến hết năm 1973, đến đầu năm 1974 chuyển ra Lệ Thủy, Quảng Bình rồi lên Tuyên Quang. Năm 1975, ông được Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 2) cho phục viên. Trở về quê nhà sinh sống, ông được Đảng bộ, chính quyền địa phương đề nghị tham gia cấp ủy xã, sau đó được cử đi học Trung cấp Chính trị. Từ năm 1980, ông làm Thường trực UBMTTQVN huyện Đoan Hùng. Đến năm 1986, do sức khỏe yếu, ốm đau thường xuyên nên ông được nghỉ chế độ mất sức lao động…

Người cựu binh già với đôi bàn tay run run dâng nhành hoa cúc trắng, đốt điếu thuốc lá, nén nhang cắm lên mộ đồng đội mình, ngấn lệ trào dâng khóe mắt. Ông kể, cách đây mấy năm, có đồng đội sau khi đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, đã viết thư cho ông, nhờ ông kiểm tra xem ở xã Minh Tiến có liệt sĩ nào họ tên Nguyễn Văn Tân, sinh năm 1946, đơn vị Đại đội 20 trinh sát, Sư đoàn 308, hy sinh tại Đông Hà, Quảng Trị ngày 24/4/1972.

Sau nhiều lần nhờ các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra kỹ, song không có liệt sĩ nào tên tuổi, quê quán và ngày hy sinh như trên (cả xã Minh Tiến cũng không có liệt sĩ nào tên Tân), ông nghĩ bia mộ có tên họ đó chắc chắn là tên tuổi của chính mình. Nhưng sao vậy, ông vẫn còn sống kia mà!..

Sau nhiều lần chuẩn bị song vì điều kiện gia đình khó khăn, bản thân hay bị đau ốm, dịp 27-7 năm nay ông mới vào đây được để thắp nén nhang cho đồng đội. Ngồi bên ngôi mộ có mang tên họ, quê quán của mình, kỷ niệm về những tháng năm cùng với đồng đội chiến đấu gian khổ, hy sinh, cứ hiện về vẹn nguyên trong trí nhớ không thể nào quên của ông. “Hùng, Hà hay đồng chí nào đó đã cất giùm mình chiếc bi đông, cây viết có khắc tên họ của mình. Nhưng mà chính xác là đồng chí nào nằm ở đây?! Đồng chí linh thiêng hãy báo mộng cho mình biết với!...”, ông thì thầm bên nấm mộ…

Sáng 25/7/2015, sau thăm viếng, thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, người cựu binh già Nguyễn Duy Tân đã viết thư cho các đơn vị chức năng liên quan sự việc ông còn sống, nhưng có tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày hy sinh ghi tại nấm mộ số 158, khu mộ tỉnh Phú Thọ, của Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, nhằm tìm ra tên tuổi, quê quán cho đồng đội của ông đã hy sinh.

Tác giả bài viết: Phan Thanh Bình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP