► Người cho Phó Chủ tịch Hậu Giang mượn xe Lexus gắn biển xanh là ai?
►Phó chủ tịch đi xe Lexus: Hãy để cơ quan chức năng làm rõ
► 9 cơ quan làm rõ nhiều vấn đề ngoài xe Lexus tư gắn biển xanh
► Dùng tiền phạt giao thông mua xe Lexus cho lãnh đạo tỉnh
► “Cấp biển xanh cho xe Lexus của ông Phó Chủ tịch tỉnh là sai quy định”
► Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang trả lại biển số công của xe Lexus
► Xe Lexus tư nhân gắn biển số xanh ở miền Tây
Bà Pham Chi Lan lên tiếng quanh những ồn ào về vụ xe Lexus gắn biển xanh của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Xoá bỏ phân biệt đối xử xe biển xanh, xe biển trắng
Dư luận đang ồn ào vụ xe tư của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang được gắn biển xanh, bà có bình luận gì về chuyện này?
Trường hợp ông Thanh thể hiện một sự tuỳ tiện trong việc xác định thế nào là tài sản công-tư.
Tôi không hiểu ông Thanh có khó khăn, thiếu thốn đến mức phải dùng một chiếc xe tư – như ông ta nói – là đi mượn của người khác tận Hà Nội mang vào để làm việc hay không? Và tại sao đang là tài sản tư lại phải dùng biển công?
Chiếc xe Lexus 570 từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699 được thay lại biển số trắng. Ảnh: CafeF
Hiện nay trong xã hội có một số công chức mua xe riêng đi làm việc, họ dùng xe biển trắng bình thường, tại sao ông Thanh lại phải phức tạp như vậy?
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như thế này, mỗi địa phương chỉ nên có vài chiếc xe công để luân phiên đưa các lãnh đạo đi công tác. Tại sao lại phải mỗi người một xe công? Thế mới dẫn đến chuyện ông Thanh luân chuyển công tác đến Hậu Giang nhưng chưa được bố trí xe nên ông ta phải mượn xe người khác để đi. Hơn thế, từ cấp thứ trưởng, phó chủ tịch Uỷ ban đã có chế độ ô tô riêng thì gánh nặng của ngân sách là vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, phân biệt “biển trắng, biển xanh” đã được nói đến nhiều, gây nhiều tranh cãi. Chính sự khác nhau trong đối xử xe biển xanh, biển trắng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe “biển xanh” cậy được ưu tiên. Không hiếm trường hợp, báo chí đã nếu, khi vi phạm luật giao thông xe biển xanh lại bị xử nhẹ hơn, tạo nên sự ưu tiên không cần thiết, và vô lý.
Tất nhiên, khi đăng ký cần ghi rõ ràng là tài sản công hay tư nhưng đó là vấn đề khác. Còn chuyện biển màu này màu kia để tạo ra sự phân biệt đối xử giữa xe công và xe tư và tuân thủ pháp luật là không nên. Pháp luật phải được công bằng với tất cả mọi đối tượng. Xe biển xanh hay biển trắng vi phạm pháp luật đều phải xử như nhau.
Quản lý kém được điều chuyển thành lãnh đạo cao cấp
Có vẻ như tình hình đã trở nên phức tạp và nghiêm trọng đến mức, đích thân Tổng bí thư phải chỉ đạo giải quyết?
Tôi cho rằng vì Tổng bí thư nhìn thấy đây là một trường hợp lạm dụng công-tư. Cụ thể, người vi phạm đã lạm dụng vị trí công vụ của mình để có được một chiếc xe mang biển xanh, để lấp liếm nhân danh nghĩa công cho tài sản tư. Không những thế, đó là một tài sản giá trị lớn, khi tài sản bị khoác danh công vụ có thể gây ra sự bất bình cho người dân, tại sao xe công vụ lại dùng loại sang, đắt tiền như vậy.
Ngoài ra, như thông tin báo chí đã đưa ra, bản thân ông Thanh đã từng làm ở một doanh nghiệp Nhà nước- nơi đã xảy ra nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan tới vấn đề tài chính. Bản thân ông Thanh đã từng bị cựu thủ tướng yêu cầu điều tra xem xét trách nhiệm. Không hiểu sao đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Và giờ ông Thanh lại được điều chuyển như một cán bộ nguồn, thậm chí có thể trở thành một lãnh đạo cao cấp sau này. Rõ ràng, có những dấu hiệu cho thấy nhiều điều không minh bạch nên Tổng bí thư phải yêu cầu kiểm tra tổng thể, chứ không riêng chuyện xe biển xanh hay biển trắng. Đó cũng là lý do 9 cơ quan phải vào cuộc.
Không ít lần, báo chí đã lên tiếng về việc điều chuyển nhân sự bất thường, cụ thể như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh. Theo bà, lỗ hổng là ở đâu?
Đúng là cách điều chuyển cán bộ như vậy không phải là hiếm trong xã hội ta hiện nay. Chúng ta đã nói nhiều đến hình thức kỷ luật “đá lên” ở các cơ quan nhà nước. Khi ai đó bị kỷ luật, người đó sẽ được bố trí rời chỗ cũ, nơi anh ta vừa để xảy ra sai phạm để điều chuyển sang một chỗ mới, thậm chí có khi được giữ chức vụ cao hơn, có trách nhiệm và thẩm quyền rộng hơn.
Ông Thanh là một ví dụ cụ thể. Rõ ràng, chuyện ông ta đã sai sót làm thua lỗ một doanh nghiệp nhà nước nhưng rồi lại được điều chuyển về Bộ Công thương- một cơ quan có trách nhiệm rất lớn, để rồi lại tiếp tục được điều tiếp làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Có thể thấy rất rõ, từ một người điều hành doanh nghiệp yếu kém, làm ăn thua lỗ, ông ta đã được điều chuyển để trở thành một lãnh đạo chính quyền. Không biết chừng, nếu vụ này không bị khui ra, có khi ông ấy sẽ còn được giao trọng trách lớn hơn nữa ấy chứ.
Những trường hợp như ông Thanh, không ít đâu.
Chính sự không nghiêm minh trong hệ thống kỷ luật nhà nước đã dẫn đến tình trạng như vậy. Đây là một trong những vấn đề khiến người dân không hài lòng. Ngay Tổng bí Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhắc đến, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa xử lý được. Tôi cho rằng vụ việc này cần được xem xét, rà soát một cách nghiêm túc toàn bộ quá trình. Và không chỉ với ông Thanh, cũng cần xem xét lại nhiều trường hợp khác nữa.
Xin cám ơn bà đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.
Tác giả bài viết: Hoàng Hường thực hiện