Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo sửa nghị định 24 và 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã lấy ý kiến hoàn chỉnh.
"Kỳ họp Chính phủ vào ngày 1/6 này sẽ thông qua dự thảo để Thủ tướng ký ban hành", Bộ trưởng Nội vụ thông tin.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Thu Hằng |
Theo Bộ trưởng Nội vụ, dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được QH thảo luận giao Chính phủ quy định khung các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện (sở ngành, phòng ban). Vì vậy Chính phủ quy định việc này trong dự thảo sửa 2 nghị định 24 và 37.
Sáp nhập những sở có nhiệm vụ, chức năng tương đồng
"Đến giờ phút này, dự thảo quy định theo hướng, một số sở ngành sẽ được tổ chức cứng, tức là tổ chức thống nhất trong cả nước", Bộ trưởng chia sẻ.
Cụ thể, các sở ngành được tổ chức cứng gồm: Tư pháp, LĐ-TB-XH, TN&MT, Y tế, Giáo dục, Thanh tra, Nội vụ, Văn phòng UBND.
Còn lại, các sở khác có thể sáp nhập, hợp nhất với những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
"Chính phủ sẽ định hướng khung chứ không để từng tỉnh muốn sáp nhập như thế nào thì nhập", Bộ trưởng nói.
Ông cũng thông tin thêm, số lượng cấp phó các sở ngành cũng được Chính phủ quy định khung chứ không quy định cứng như trước đây là mỗi sở không quá 3 phó giám đốc.
Theo đó, Chính phủ quy định khung số cấp phó của các sở ngành trong 1 tỉnh là bao nhiêu. Các địa phương căn cứ vào khung này để tùy tình hình mà sắp xếp hợp lý.
"Như vậy, có sở có thể có 4, 5 phó giám đốc nhưng có sở chỉ có 1 hoặc 2 phó giám đốc, miễn sao tổng số cấp phó các sở ngành không vượt quá khung Chính phủ quy định", Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Dự thảo sửa đổi 2 nghị định 24 và 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến từ tháng 4/2018.
Theo dự thảo ban đầu, những cơ quan chuyên môn được tổ chức cứng và thống nhất trong cả nước gồm có 4 sở: Tư pháp, TN-MT, LĐ-TB-XH, Y tế; còn lại hợp nhất, sáp nhập 17 sở, ngành.
Một số sở được đề xuất sáp nhập theo dự thảo ban đầu gồm có: KH-ĐT và Tài chính gọi là Sở Tài chính - Kế hoạch; GTVT với Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng; NN-PTNN với Công thương;...
Sau đó, tỉnh Lào Cai đã đi đầu sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng vào hồi tháng 6/2018.
Kế đến, Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh uỷ với Sở Nội vụ, cơ quan UB Kiểm tra Tỉnh uỷ với Thanh tra tỉnh vào tháng 9/2018.
Một loạt tỉnh khác cũng tiến hành sáp nhập, hợp nhất các sở ngành trong năm 2018.
Đầu tháng 12/2018, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ký văn bản gửi UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ đề nghị tạm dừng việc sắp xếp sở ngành, phòng ban để chờ các nghị định của Chính phủ.
Như vậy sau nửa năm ngưng sắp xếp các sở ngành, nghị định của Chính phủ sắp được ban hành để các địa phương tiếp tục tiến hành sắp xếp, sáp nhập các sở ngành, phòng ban.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet