Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng |
Nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng
Chiều 28/5, đại diện Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV). Dự án này được kế thừa từ Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, có hiệu lực thi hành từ ngày 9/9/1996. Theo Bộ trưởng, sau hơn 20 năm thực hiện, Pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV…
Quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, như Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, về xây dựng lực lượng DBĐV; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và một số quy định khác liên quan đến lực lượng DBĐV. Trong khi đó, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để phù hợp với Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Bên cạnh đó, qua Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh, trên phạm vi cả nước đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nổi bật là: Thực hiện chế độ nền nếp đăng ký, quản lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 năm/lần đối với sĩ quan dự bị (SQDB) đã sắp xếp vào đơn vị DBĐV và tổ chức sinh hoạt toàn thể SQDB ở nhiều địa phương chưa thực hiện được; việc triển khai đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật (PTKT) của nền kinh tế quốc dân chưa thực sự hiệu quả, các chủ phương tiện chưa tự giác chấp hành việc đăng ký, quản lý của cơ quan quân sự địa phương, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm.
Nguồn quân nhân dự bị (QNDB) tuy nhiều nhưng phân bố không đều; tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, các thành phố lớn; các tỉnh miền Núi, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam việc tổ chức các đơn vị DBĐV gặp khó khăn do chất lượng chuyên nghiệp quân sự (CNQS) của QNDB đạt thấp... Thực tiễn đòi hỏi, huy động lực lượng DBĐV tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định trong Pháp lệnh.
Việc bảo đảm doanh trại, thao trường, bãi tập cho huấn luyện tập trung đơn vị dự bị động viên gặp nhiều khó khăn; các đơn vị bộ đội địa phương cơ bản chưa có doanh trại, thao trường, bãi tập để tổ chức huấn luyện; một số đơn vị tổ chức huấn luyện phải ở nhờ trường học, hội trường ủy ban để làm nơi ăn, nghỉ cho quân nhân dự bị trong thời gian huấn luyện (sáng đi tối về hoặc ở trong nhà dân), do đó chưa kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện của đơn vị dự bị động viên.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng, việc ban hành luật nhằm mục đích xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Bảo đảm sự bình đẳng
Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan, như Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Luật Cư trú...
Đồng thời nghiên cứu quy định ngay trong luật một số nội dung giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, nhất là những nội dung liên quan đến quyền công dân, quyền về tài sản, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân.
Một số ý kiến cũng cho rằng, quân nhân dự bị làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân khi huy động sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ, gây bất bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng đến thu nhập, thậm chí làm mất cơ hội có việc làm của người được huy động. Trong khi Điều 44 dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nên thiếu tính khả thi.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, quy định về quản lý và huy động phương tiện kỹ thuật trong dự thảo Luật là không rõ ràng và khó khả thi trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau; việc đăng ký, quản lý, sắp xếp, huy động phương tiện kỹ thuật làm hạn chế quyền về tài sản của cá nhân, tổ chức đã được Hiến pháp bảo hộ, nên đề nghị nghiên cứu việc huy động phương tiện kỹ thuật phải thực hiện theo Điều 32 Hiến pháp và các quy định có liên quan của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Quốc phòng… để bảo đảm sự bình đẳng về quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có tài sản phải huy động.
“Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để rà soát, chỉnh lý nội dung của dự thảo Luật cho phù hợp với Hiến pháp, đường lối, chính sách của Đảng; giải quyết hài hòa, hợp lý chủ trương xây dựng, tổ chức LLDBĐV hùng hậu nhưng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, bám sát tình hình, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay”, ông Việt cho hay.
Điều động công an chính quy làm Trưởng Công an xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn)
Tác giả: LUÂN DŨNG
Nguồn tin: Báo Tiền Phong