Trong tỉnh

Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về thu hồi các dự án chậm tiến độ

Chiều 20/5, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐNĐ tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An; giám sát về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ năm 2015 đến năm 2020.


Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc

Tiến hành 489 lượt kiểm tra đối với 391 dự án

Qua giám sát về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh cho thấy: Từ năm 2016 đến năm 2021, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành 489 lượt kiểm tra đối với 391 dự án (tăng gấp 2,7 lần so với giai đoạn 2011-2015 chỉ kiểm tra 186 dự án); trong đó, có 258 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và 133 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất.

Công tác rà soát, kiểm tra, phối hợp xử lý sau kiểm tra được thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh; chất lượng ngày càng được nâng cao. Các đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật. Sau kiểm tra, các chủ đầu tư đã chủ động hơn trong việc hoàn thiện các thủ tục hành chính, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đưa đất vào sử dụng, thực hiện dự án đầu tư; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đúng quy định.

Tuy nhiên, nhiều dự án không triển khai, triển khai chậm tiến độ; sau khi được rà soát, kiểm tra và gia hạn tiến độ nhưng khi hết thời gian gia hạn vẫn chưa triển khai, triển khai không đúng tiến độ mới và tiếp tục chậm tiến độ. Nhiều dự án chậm tiến độ do mới chỉ hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng mà chưa được giao đất, cho thuê đất do khó khăn, vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng; một số chủ đầu tư không chủ động hoàn thành thủ tục đầu tư. Kết quả thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về thu hồi dự án, thu hồi đất còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc quản lý các dự án sau khi chấm dứt hoạt động còn chưa được sát sao, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư thay thế...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu

Thảo luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về các dự án sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh; quy định về trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành trong tổng hợp, theo dõi, đôn đốc thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án. Bổ sung, sửa đổi quy trình, thủ tục đầu tư theo hướng quy định thời gian tối đa để làm các thủ tục về khảo sát địa điểm, chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết, đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất để hạn chế tối đa tình trạng các dự án treo, chậm tiến độ do chủ đầu tư không chủ động làm các thủ tục sau khi được phép khảo sát lựa chọn địa điểm hoặc cấp chủ trương đầu tư.

Đồng thời, tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh tại 2 kỳ họp thường lệ hàng năm về kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh và thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát; công khai thông tin các dự án treo, chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng phần mềm để số hóa quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho biết sẽ chỉ đạo VNPT xây dựng phần mềm để số hóa quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết qua kết quả của Đoàn giám sát cho UBND tỉnh một cái nhìn tổng quát, nhìn nhận được những vướng mắc làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, tạo lực cản cho sự phát triển. Vì vậy, trước mắt, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, UBND tỉnh tập trung tháo gỡ, xử lý các dự án đã được HĐND tỉnh giám sát, kiểm tra; những dự án không có khả năng triển khai sẽ kiên quyết thu hồi. Trong giai đoạn tới, phải kiểm soát ngay từ ban đầu đối với các nhà đầu tư, có ràng buộc chặt chẽ trên cơ sở quy định của pháp luật. Với quyết tâm chính trị cao nhất của tỉnh, UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết trong xử lý các dự án chậm tiến độ.

Đối với các nội dung kiến nghị của Đoàn giám sát, UBND tỉnh và các ngành sẽ tiếp thu thực hiện. Trong đó, đối với vấn đề tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh về kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh sẽ báo cáo vào kỳ họp cuối năm.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết thu hồi dự án là một vấn đề nhạy cảm, nhiều thách thức, khó khăn nhưng không thể không làm

Kết luận về nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy đồng ý chủ trương xây dựng Nghị quyết chuyên đề về thu hồi các dự án chậm tiến độ, sẽ nghe dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình vào tháng 9; đồng ý cao với chủ trương số hóa toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh bổ sung, hoàn chỉnh cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trình tự thủ tục đầu tư, quy trình thu hồi các dự án chậm tiến độ, trong đó, cần bao quát được tình hình thực tiễn, giải quyết được các vấn đề vướng mắc theo quy định, phát huy tối đa thẩm quyền của UBND tỉnh; rà soát, phân loại kỹ đối với các dự án chậm tiến độ trên địa bàn do khách quan hay chủ quan để đồng hành tháo gỡ, hỗ trợ đối với những nhà đầu tư tâm huyết, có trách nhiệm. Ngay từ bây giờ, các Sở: KH&ĐT, TN&MT, Xây dựng và Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam phải chuyển động ngay, vào cuộc tạo sự chuyển biến dần để triển khai ngay các nhiệm vụ được giao khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ ban hành.

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 439.285 lượt người được đào tạo nghề

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Chu Đức Thái báo cáo kết quả giám sát

Qua giám sát về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến năm 2020 cho thấy: Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 439.285 lượt người được đào tạo nghề (bình quân mỗi năm hơn 73.000 lượt người). Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 400.460 người. Chất lượng lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, nhất là nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu lao động. Công tác kiểm định, đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện theo quy định của Bộ LĐTB&XH. Năng lực, chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm đến việc liên kết với doanh nghiệp; từ việc xây dựng giáo trình, chương trình dạy đến việc đào tạo, và sử dụng lao động sau đào tạo. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo giai đoạn 2015-2020 là 312.586 người, tỷ lệ có việc làm tính đến cuối năm 2020, đạt 80,76% (tăng 5,14% so với năm 2014).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long làm rõ hơn một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh

Tuy nhiên, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy đã có sự sắp xếp, sáp nhập nhưng vẫn còn dàn trải, trùng lắp chức năng nhiệm vụ; một số chương trình đào tạo chưa thực sự linh hoạt, chưa đa dạng, chưa cập nhật kịp với xu hướng công nghệ mới; kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, dàn trải và chưa kịp thời nhất là kinh phí Trung ương cấp cho đào tạo nghề lao động nông thôn gây khó khăn cho các đơn vị trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình đào tạo...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị cần có cơ chế điều tiết giáo viên giữa các trung tâm để tránh tình trạng vừa thừa vừa thiếu như hiện nay

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi: Hiện nay, còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập là: Trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu; đội ngũ giáo viên vừa thừa vừa thiếu; các Trung tâm cấp huyện đào tạo theo chỉ đạo của Nhà nước giao nên các học viên đi học chưa thật sự nỗ lực; nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động trong khi lực lượng lao động trên địa bàn thất nghiệp...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị cần có cơ chế điều tiết giáo viên giữa các trung tâm để tránh tình trạng vừa thừa vừa thiếu như hiện nay; xây dựng trường nghề hoàn chỉnh, hiện đại theo cụm huyện để đào tạo thật chuẩn chỉ. Sau cuộc giám sát này, UBND tỉnh cần xây dựng một Nghị quyết chính sách về đào tạo nghề chất lượng cao...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung quyết liệt để triển khai Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; giao Sở LĐTB&XH tập trung rà soát lại cơ sở đào tạo nghề; rà soát đội ngũ giáo viên để đảm bảo yêu cầu; rà soát lại để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để đáp ứng nhu cầu người lao động phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh cần rà soát lại các trung tâm, trường nghề để đầu tư nguồn lực có trọng tâm; rà soát lại toàn bộ hệ thống trung tâm, trường nghề, tiếp tục sắp xếp lại các trường nghề theo quy định của Bộ LĐTB&XH và trong thẩm quyền của tỉnh, đưa ra lộ trình thực hiện vì đây là xu thế tất yếu đối với sự phát triển hiện nay. Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh rà soát lại đội ngũ giáo viên, cân đối số lượng giữa giáo viên dạy thực hành và giáo viên lý thuyết; đồng thời cần phối hợp để nâng cao việc kết nối giữa địa phương với các doanh nghiệp trong cung cầu lao động.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP