Trong tỉnh

Nghệ An: Tiến độ Nhà máy nước Hòa Sơn đến nay ra sao?

Hiện Dự án Nhà máy nước Hòa Sơn đã hoàn thành 100% giai đoạn I và đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng cấp nước cho người dân 11 xã thuộc huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An).

Đã nghiệm thu giai đoạn I

Ngày 23/9/2020, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường HQ đã có Báo cáo số 90/2020/CV-HQ gửi UBND tỉnh Nghệ An về tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy nước Hòa Sơn.

Nhà máy nước Hòa Sơn hoàn thành giai đoạn 1

Theo tài liệu này thì ngày 27/6/2018, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 2608/QĐ.UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy nước Hòa Sơn (tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).

Dự án trên có có công suất 10.000 m3 /ngày đêm, sử dụng công nghệ Nhật Bản do nhà thầu Kobelco cung cấp, đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT cung cấp nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân 14 xã thuộc huyện Đô Lương.

Giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành vào Quý I/2020 với công suất cấp nước 5000m3/ngđ và đưa vào hoạt động. Giai đoạn 2 là Quý I/2024 hoàn thành xây dựng nhà máy với tổng công suất cấp nước 10.000m3/ngđ.

Đến thời điểm hiện tại Dự án Nhà máy nước Hòa Sơn đã hoàn thành 100% giai đoạn I và đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng cấp nước cho người dân 11 xã thuộc huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Công ty cũng đã thực hiện được 80% khối lượng công việc của Giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành vào Quý I/2021 (vượt kế hoạch 3 năm).

Thông báo nghiệm thu giai đoạn 1 đối với Nhà máy nước Hòa Sơn

Tìm hiểu được biết, đến ngày 17/9/2020, lãnh đạo Sở Xây dựng Nghệ An ký Thông báo nghiệm thu số 507/SXD-GĐCL. Theo đó, Sở Xây dựng chấp nhận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường HQ.

Trao đổi với phóng viên, phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường HQ Cao Hữu Mỹ (Phụ trách Kỹ thuật) cho biết: theo kế hoạch doanh nghiệp hoàn thành vào đầu năm 2020. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh bùng phát nên doanh nghiệp đã cho tạm ngừng thi công, tránh tụ tập đông nhân công.

Đến tháng 5/2020, khi dịch bệnh bắt đầu ổn định, công ty đã tiếp tục thực hiện hoàn thành Giai đoạn 1 của dự án. Vì thế hiện đơn vị đã có kết quả kiểm định nội kiểm và ngoại kiểm chất lượng nước theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, đưa nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn vào phục vụ cho người dân 11 xã ven thị Đô Lương chưa có nguồn nước sạch sinh hoạt, bắt đầu cấp nước vào tháng 6/2020, chậm so với dự kiến 3 tháng để phục vụ nhu cầu dùng nước sạch của người dân.

Nghệ An cần công bố minh bạch về dự án

Ông Cao Hữu Mỹ, phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường HQ cũng phân trần, trước tình hình người dân dùng nước tại các xã của Giai đoạn 1 gần như 85% đăng kí sử dụng nước sạch, công ty nhận thấy Giai đoạn 2 không thể chờ đến hạn 2024 như giấy chứng nhận đầu tư. Vì thế, công ty đã triển khai thi công giai đoạn 2 để cấp nước cho nhân dân các xã còn lại trong vùng cấp nước. Mục đích là không để người dân phải dùng nước giếng khoan hay nước kênh để sinh hoạt như hiện tại.

Ông Mỹ cũng cho rằng, vùng cấp nước có 14 xã đều là vùng nông thôn không tập trung, khoảng cách từ đường ống chính đến vào điểm đấu nối trong các hộ gia đình tương đối lớn, tốn rất nhiều chi phí khi đấu nối khách hàng mới. Nhằm đảm bảo tính cam kết khi đăng kí sử dụng nước, tương tự như khi lắp đặt các gói cước viễn thông hay điện thoại, đơn vị đã có các thoả thuận dân sự với các hộ đấu nối về việc cam kết nguồn nước đảm bảo áp lực liên tục 24/24h.

Cụ thể, việc cấp nước cho người dân được thực hiện theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sinh hoạt; Thông tư số 01/2008/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117, trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận dân sự, căn cứ vào nhu cầu người dân.

Phiếu kết quả thử nghiệm của Nhà máy nước Hòa Sơn

Theo đó người dân cam kết sử dụng nước tối thiểu 3 năm, chi phí sử dụng tối thiểu 50.000 đồng/tháng. Nếu chi phí sử dụng dưới 50.000 đồng/tháng khách hàng trả cho công ty mức phí duy trì áp lực đường ống với mức phí tối thiểu tương ứng là 50.000 đồng/tháng.

Ngoài ra người dân đăng ký nộp tiền ký quỹ cam kết sử dụng nước từ 2.000.000, số tiền này được trừ dần vào tiền sử dụng nước của khách hàng hàng tháng. Số tiền ký quỹ cam kết sử dụng nước không tính lãi cho đến khi được sử dụng hết. Nhà máy cần sự cam kết sử dụng để lắp đặt cụm đồng hồ cho hộ dân. Đây không phải là tiền huy động đóng góp xây dựng nhà máy, mà trước đó nhà máy đã hoàn thành việc xây dựng tuyến ống.

Bên cạnh đó, về mặt giá nước sạch công ty thực hiện theo hướng dẫn bởi Bộ Tài Chính, Bộ Xây Dựng. Giá bán nước sạch hiện tại là giá tạm tính dựa trên báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận. Ngay sau khi hoàn thành dự án, Nhà náy nước Hòa Sơn sẽ tiến hành kiểm toán xác định giá trị dự án, trên cơ sở đó trình UBND tỉnh phê duyệt phương án giá.

Sau khi xác định giá nước chính thức, nếu doanh nghiệp thu thừa thì phải trả lại phần thu thừa cho từng hộ gia đình cùng với lãi suất được quy định tại điều 48 Văn bản hợp nhất số 12/2020/BXD-VBHN.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP