Trong tỉnh

Nghệ An: Doanh nghiệp lật kèo, Sở bênh, dân chịu thiệt

Sau khi đã thống nhất phương án tính toán các loại đất nông nghiệp để đối trừ cho người dân nhường đất cho dự án thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong- Nghệ An), chủ đầu tư dự án bất ngờ đề xuất phương án khác mà nếu được áp dụng dân bị thiệt hơn 34 tỉ đồng.

Ruộng lúa nước tại điểm tái định cư Huôi Chà Là,bản Piềng Văn, xã Đồng Văn (Quế Phong - Nghệ An). Ảnh: Quang Đại

Doanh nghiệp bất ngờ “lật kèo”

Dự án Thủy điện Hủa Na do Công ty CP Thủy điện Hủa Na (thuộc Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng, công suất 180MW, là dự án thủy điện lớn thứ 2 ở Nghệ An, khởi công năm 2008, khánh thành năm 2013.

Dự án ảnh hưởng đến 14 bản vùng lòng hồ, thuộc 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn (huyện Quế Phong) với 1.362 hộ dân; trong đó 878 hộ dân tái định cư theo dự án.

Một góc điểm tái định cư Huôi Chà Là,bản Piềng Văn, xã Đồng Văn (Quế Phong - Nghệ An). Ảnh: Quang Đại

Đến nay, 878 hộ tại 13 điểm tái định cư đã được giao đất ở, đất vườn liền kề, đất trồng cây hàng năm; 825 hộ được giao đất ruộng lúa nước. Tuy nhiên, việc chi trả tiền bồi thường chênh lệch về giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến chỉ mới thực hiện được một phần rất nhỏ và đang bế tắc.

Căn cứ Quyết định số 2327 ngày 1.6.2009 của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2019, huyện Quế Phong đã thực hiện tính toán đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến đối với các loại đất ở, đất vườn, ao liền kề đất ở và đất ruộng lúa nước; lập phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết từng loại đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp.

Phương án nói trên đã được Công ty CP Thủy điện Hủa Na đồng thuận, thể hiện qua nội dung văn bản số 361 ngày 3.7.2018 gửi UBND huyện Quế Phong, đề nghị: “tổ chức kiểm tra, rà soát và xác định giá trị đối trừ quyền sử dụng đất chi tiết cho từng loại đất tại các điểm tái định cư đã có đủ căn cứ thực hiện để ra quyết định phê duyệt chính thức làm cơ sở chi trả cho các hộ dân theo đúng quy định của Nhà nước”.

Do đó, huyện Quế Phong đã lên phương án với tổng kinh phí trả cho người dân sau khi đối trừ khoảng hơn 78,6 tỉ đồng. Huyện đã phê duyệt phương án đối trừ đất trồng lúa cho 261 hộ của 5/13 điểm tái định cư, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ chênh lệch sau đối trừ gần 7,4 tỉ đồng. Trong đó, đã chi trả 4,582 tỉ đồng cho 58 hộ.

Tuy nhiên, đến ngày 29.5.2019, Công ty này lại bất ngờ có văn bản số 280/HHC-KTKH đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hướng dẫn cách tính đối trừ giá trị chênh lệch quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến, trong đó đề xuất cho thực hiện tính toán đối trừ theo tổng giá trị quyền sử dụng đất của các loại đất cho từng hộ dân.

Sau đó, Công ty này đề nghị 3 phương án đối trừ đất, với tổng kinh phí trả cho dân theo dự toán lần lượt là 44,588 tỉ; 53,503 tỉ và 57,793 tỉ đồng.

Với phương án 1 mà Công ty CP Thủy điện Hủa Na nêu ra, nếu áp dụng, người dân tái định cư sẽ chịu thiệt khoảng hơn 34 tỉ đồng. Với phương án 3, người dân cũng chịu thiệt gần 21 tỉ đồng.

Đáng nói là, tại văn bản số 5065 ngày 11.9.2019 của Sở TNMT Nghệ An do ông Phó Giám đốc Thái Văn Nông ký, gửi UBND tỉnh, nêu rõ: “Quan điểm xử lý của Sở TNMT nghiêng về phương án 1”.

“Điều này thể hiện sự tiền hậu bất nhất của Công ty CP Thủy điện Hủa Na, gây thiệt thòi rất lớn cho dân, nên UBND huyện không nhất trí” – ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nói.

Dân “thiệt đơn, thiệt kép”

Chúng tôi đã đến điểm tái định cư Huôi Chà Là, nơi 30 hộ dân bản Piềng Văn, xã Đồng Văn đã nhường đất cho thủy điện Hủa Na đang sinh sống. Người dân và lãnh đạo địa phương đều hết sức bức xúc, bất bình với sự tiền hậu bất nhất của Công ty CP Thủy điện Hủa Na trong phương án đối trừ giá trị quyền sử dụng đất.

Hộ Lô Hồng Ngân, theo phương án đối trừ đất chi tiết từng loại đã được UBND huyện Quế Phong phê duyệt, sẽ được nhận hơn 464 triệu đồng. Tuy nhiên, theo phương án đối trừ tổng giá trị các loại đất mà chủ đầu tư đề xuất, ông chỉ còn được nhận 160 triệu, thiệt 304 triệu đồng.

Tương tự, hộ ông Lang Văn Thái nếu theo phương án đối trừ đất cho chi tiết từng loại đất, sẽ được nhận 128 triệu đồng. Nhưng nếu áp dụng theo phương án mà Công ty CP Thủy điện Hủa Na đề xuất, ông còn bị âm đến 203 triệu đồng.

“Đảng ủy, chính quyền địa phương không đồng thuận với phương án đối trừ tổng giá trị các loại đất do Công ty CP Thủy điện Hủa Na đề xuất, vì không đúng quy định và làm người dân rất thiệt thòi” – ông Lương Thái Quý – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho hay.

Ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khẳng định: “Chúng tôi không thể phê duyệt phương án vừa gây thiệt thòi cho dân, vừa không đúng luật, vừa có thể gây bất ổn tình hình do khiếu kiện đông người kéo dài”.

Được biết, đến nay do chưa thống nhất được phương án tính toán đối trừ giá trị đất, nên việc trả tiền bồi thường cho dân gặp bế tắc, kéo dài sang năm thứ 8.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP