Trong tỉnh

Nghệ An: Cuối năm lại 'nóng' chuyện chống buôn lậu

Cứ đến dịp cuối năm, câu chuyện buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lại nóng. Tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả qua địa bàn và ngay trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt là dịp trước trong và sau Tết cổ truyền.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hàng hóa tại siêu thị BigC Vinh

Lợi dụng kẽ hở

Nghệ An là tỉnh đất rộng, người đông, lại có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Các tuyến đường biển, đường bộ, hàng không, đường sắt, thông thương. Đây vừa là lợi thế để Nghệ An phát triển kinh tế, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng cấm.

Ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Tưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, với những giải pháp đồng bộ, xuyên suốt được thực hiện từ tỉnh xuống các địa phương nên thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An không xảy ra những vụ việc, ổ nhóm lớn.

Nổi lên là các vi phạm về gian lận thương mại, hành vi trốn thuế, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn. Vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả chủ yếu là sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng nhằm đưa ra thị trường lừa dối người tiêu dùng để trục lợi. Buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm gia súc gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch, hàng không đảm bảo chất lượng và các điều kiện theo quy định.

Gần đây xuất hiện các mặt hàng là sản phẩm động vật, gia cầm, thủy hải sản không qua kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhập từ Trung Quốc về Nghệ An và qua Nghệ An vận chuyển vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ. Dù việc kiểm tra kiểm soát gắt gao của các lực lượng chức năng, đối tượng vi phạm đã manh động hơn và bất chấp pháp luật. Sự đa dạng trong các chủng loại hàng lậu gây ra những khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý. Cùng với đó, một số chính sách liên quan hiện nay chưa cụ thể, dễ tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng.

Ở tuyến đường bộ, các đối tượng chủ yếu lợi dụng địa hình đường biên sát khu dân cư với nhiều đường mòn, địa hình vận chuyển hàng hoá vào các chợ, trung tâm thương mại, bến xe. Hàng hoá nhập lậu như pháo lậu, điện thoại, máy tính, ma tuý... được chia nhỏ cho vào các túi xách, va ly, giấu trên người để trà trộn vào xe khách.

Siết chặt kỷ cương, ngăn chặn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An, mặc dù tình trạng buôn lậu trong nhiều tháng qua có chiều hướng giảm do lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường lực lượng. Thời điểm từ nay đến cuối năm do nhu cầu về hàng hoá tiêu dùng dịp Tết Mậu Tuất 2018 tăng cao. Các cực lượng chức năng tiếp tục bám sát tình hình, tập trung kiểm soát đối với nhóm mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ thẩm lậu, gian lận thương mại, mặt hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.... Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các tuyến, địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại. Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An, năm 2017 đơn vị đã tổ chức kiểm tra xử phạt trên 12.000 vụ, tổng giá trị thu phạt trên 65 tỷ đồng.

Ông Trần Đăng Ninh, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An cho biết: “Hoạt động buôn lậu trên địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp, diễn ra cả đường bộ, đường biển, tập trung chủ yếu tại khu vực biên giới các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và các huyện vùng biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng phương tiện cao tốc, thường hoạt động vào ban đêm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng…”.

Hàng giả, hàng kém chất lượng được các cơ quan chức năng thu giữ

Ông Hoàng Văn Tám- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An chia sẻ: Ngoài việc tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật thương mại cho các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, ngành Công Thương Nghệ An còn ký cam kết với các cơ sở kinh doanh không tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân được biết.

Ngoài ra, ngành cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP