Trong tỉnh

Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An: Mô hình nuôi dê sinh sản trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới không có hiệu quả, nguồn gốc dê có vấn đề?

Tiếp tục tìm hiểu những băn khoăn của người dân tham gia dự án nuôi dê sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Trung Thành năm 2018, phóng viên đã có những phát hiện khá bất ngờ về dự án này.

Khuất tuất trong hồ sơ dự án?

Tại buổi giao dê giống sinh sản cho người dân tham gia dự án có mặt đầy đủ đại diện của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành, Trạm Giống chăn nuôi Yên Thành, UBND xã Trung Thành và những hộ dân.

Biên bản bào giao dê giống của dự án được lập ngày 01/11/2018

Trong buổi giao dê được lập ngày 1/11/2018, địa điểm là xã Trung Thành. Đại diện bên cung ứng là ông Trần Anh Tuấn Trạm trưởng Trạm Giống chăn nuôi Yên Thành , UBND xã Trung Thành là ông Trần Thượng Hoàn và đại diện các hộ dân là ông Cao Đại Nghĩa có ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên.

Trái ngược hoàn toàn, trong giấy khai báo, xác định thông tin nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật vận chuyển đi tiêu thụ trong tỉnh do ông Trần Anh Tuấn khai báo và được ông Nguyễn Khắc Minh, đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Thành ký xác nhận lại ghi rõ ràng ngày khai báo và ngày ký xác nhận là ngày 2/11/2018.

Căn cứ theo 2 văn bản này, việc giao dê cho người dân xã Trung Thành được thực hiện trước một ngày khi toàn bộ 48 con dê này được khai báo và xác nhận về nguồn gốc xuất xứ. Như vậy, tại thời điểm giao dê cho Nhân dân thì về mặt pháp lý và giấy tờ của dự án toàn bộ số dê này không thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm giao dê, người dân có quyền nghi ngờ về nguồn gốc lần chất lượng dê giống?

Để giải thích sự việc “ngược đời” này, ông Trần Anh Tuấn đã đổ lỗi cho cán bộ xã Trung Thành ghi sai ngày. Theo ông Tuấn, ngày giao dê là ngày 2/11/2018. Oái ăm thay, dù khăng khăng cho rằng, ngày giao dê là ngày 2/11/2018, thế nhưng tại biên bản giao dê được lập ngày 1/11/2018 thì ông Tuấn đã ký và đóng cả con dấu của Trạm Giống chăn nuôi Yên Thành vào văn bản này. Không biết ông Tuấn có nhớ việc này hay không, hay đang cố tình quên mình đã ký vào biên bản giao dê.

Ông Nguyễn Khắc Minh, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Yên Thành trả lời: Sự việc lâu rồi tôi không biết. Ông Minh cho rằng, họ lên xin giấy xác nhận khai báo thì tôi ký, còn chuyện giao nhận dê khi nào, bao nhiêu con thì tôi không biết. Trách nhiệm thuộc về Trạm Giống chăn nuôi và xã Trung Thành.

Tương tự, bà Đào Thị Điểm, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cũng cho rằng; ngày giao dê là ngày 2/11/2018. Cơ sở đơn giản mà bà Điểm đưa ra chỉ là trong cuốn sổ tay của bà ghi như thế.

Bên cạnh đó, trong giấy khai báo, xác định thông tin nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật vận chuyển đi tiêu thụ trong tỉnh do chính tay ông Trần Anh Tuấn khai báo thì chỉ ghi duy nhất một chủ cơ sở chăn nuôi là ông Nguyễn Trọng Dũng có địa chỉ tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, với loại động vật là dê, mục đích sử dụng là con giống, số lượng 48 con. Thế nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông lại thừa nhận: Dê cung cấp cho dự án được thu mua từ nhiều hộ gia đình có các trang trại, gia trại. Như vậy, việc ông Tuấn khai báo như thế đã phản ảnh đúng nguồn gốc của con dê giống hay không?

Ông Phạm Tuấn Hải, Trạm phó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Thành cũng cho biết: Số dê này do ông Dũng thu mua gom về chứ không phải nuôi toàn bộ. Ông Hải cho biết thêm: Ông là người tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng cho 48 con dê này nên chỉ có thể khẳng định, dê này không bị 2 loại bệnh trên, ngoài ra các bệnh khác thì không thể khẳng định được.

Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành thừa nhận: Nếu giao dê trước khi có giấy khai báo, xác định thông tin nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật thì không đảm bảo. Theo trên giấy tờ thì nguồn gốc không đảm bảo và không đúng theo quy định.

Thiếu trách nhiệm?

Như đã thông tin, đại diện xã Trung Thành cho biết, sau khi giao dê và xảy ra hiện tượng dê bị chết, xã muốn Trạm Giống chăn nuôi về giải thích cho dân hiểu nhưng dù có liên hệ với ông Tuấn, Trạm trưởng song chỉ nhận được lời hứa mà không thấy lên, và trạm cũng chưa có buổi làm việc chính thức nào với UBND xã.

Ông Trần Anh Tuấn xác định: Tôi chỉ làm việc vói chị Hoa, anh Thắng qua điện thoại chứ chưa có buổi làm việc chính thức nào với UBND xã Trung Thành sau khi giao dê. Trong buổi giao dê cho người dân thì Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành là bà Đào Thị Điểm cũng có mặt và trong biên bản giao dê lập ngày 1/11/2018 cũng có ghi tên bà Điểm. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, trong biên bản ấy thì bà Điểm không hề ký xác nhận. Trao đổi với chúng tôi, bà Điểm cũng thừa nhận mình có mặt tại buổi giao dê và khi giao xong bà đã ra về mà không hề ký vào biên bản giao nhận dê giữa các bên. Với chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn, cách làm việc của bà Điểm như thế liệu có thiếu trách nhiệm?

Tác giả: Phạm Thắng

Nguồn tin: ngaymoionline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP