Trong tỉnh

Cao tốc Bắc - Nam qua Nghệ An: Cần quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB

Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ GTVT) kiến nghị các địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB, đặc biệt là việc di dời các vị trí đường điện, viễn thông, nước... Bên cạnh đó, nhanh chóng cấp phép các mỏ trong quy hoạch đã tổ chức đấu giá để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng dự án.

Ảnh minh hoạ: Văn Dũng

Hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Nghệ An gồm: Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu (50Km) và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (49,3Km).

Trong đó, đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu (dự án đầu tư công) có tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 4.305 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (bao gồm dự phòng) hơn 1.778 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 553,05 tỷ đồng; Chi phí dự phòng (không bao gồm GPMB) hơn 656 tỷ đồng. Dự án được khởi công trong năm 2021, dự kiến hoàn thành bàn giao năm 2023.

Theo Ban Quản lý Dự án 6, đến nay, đơn vị đã ký hợp đồng 12 gói thầu gồm: 4 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu tư vấn giám sát, 4 gói thầu bảo hiểm và đã triển khai thi công toàn bộ 4 gói thầu xây lắp từ tháng 7/2021.

Hiện nay, các nhà thầu đã huy động đầy đủ thiết bị máy móc, đang thi công chủ yếu các hạng mục như nền đường (bóc hữu cơ, đào đắp nền đường thông thường) tuyến chính và đường gom; thi công đường công vụ, đường tạm, tập kết vật liệu, chuẩn bị bãi đúc dầm và thi công kết cấu phần dưới các cầu trên tuyến.

Trong khi đó, Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (theo phương thức PPP) có tổng vốn đầu tư 11.157,8 tỷ đồng, gồm nguồn vốn nhà đầu tư 5.090 tỷ đồng; phần nhà nước tham gia 6.067,7 tỷ đồng (gồm: vốn VGF là 4.159,59 tỷ đồng; vốn hỗ trợ của nhà nước cho một số công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là 1.908,14 tỷ đồng). Dự án đã khởi công ngày 22/5/2021, dự kiến hoàn thành tháng 5/2024. Thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm, 6 tháng, 8 ngày.

Nhà đầu tư dự án này là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - CTCP Tập đoàn đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng.

Cần quyết liệt hơn trong công tác GPMB

Ban Quản lý Dự án 6 cho biết, dự án qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa (có chiều dài 6,5Km) đã GPMB theo chiều dài tuyến được 6,3km/6,53km, đạt 97% và đã bàn giao cho nhà thầu 4,4km/6,53km. Hiện, Ban Quản lý Dự án 6 đã chuyển cho địa phương 239,5 tỷ đồng, đã giải ngân 235 tỷ đồng.

Trong khi đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An (có chiều dài 87,9km) đã GPMB theo tuyến được 80,11/87,9km, đạt 91%. Hiện, còn 391 hộ dân chưa nhận tiền đền bù/10.775 hộ; Có 116/139 vị trí đường điện từ cao thế đến hạ thế chưa được di dời. Trong số này có một số vị trí đường điện trung, hạ thế địa phương (Nghi Lộc) đề nghị được hạ ngầm qua đường cao tốc, vấn đề này đã được Cục QLXD & CLCTGT báo cáo Bộ GTVT theo hướng chấp thuận, đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA 6 để đảm bảo các phương án không làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thi công đường cao tốc. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác cần tiếp tục di dời: 10,4km hệ cáp viễn thông các loại (VNPT, Viettel, tín hiệu đường sắt…), 1,1km đường ống nước.

Tổng chi phí GPMB đoạn cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua toàn bộ tỉnh Nghệ An khoảng 2.991 tỷ đồng, trong đó, đã cấp từ đầu dự án đến nay hơn 2.505 tỷ đồng, giải ngân được 2.202,5 tỷ đồng. Trong năm 2021, vốn cấp cho địa phương là 557,249 tỷ đồng, đã giải ngân được 254,07 tỷ đồng.

Đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (có chiều dài 4,84km) đã GPMB theo chiều dài tuyến được 4,84km/4,84km, đạt 100% và đã bàn giao cho nhà thầu 4,29km/4,84km. Phần còn lại do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chưa tổ chức giao nhận mặt bằng giữa các bên.

Đến nay, Ban Quản lý Dự án 6 đã chuyển cho địa phương 140,5 tỷ đồng và địa phương đã giải ngân xong toàn bộ, hoàn thành công tác GPMB.

Ban Quản lý Dự án 6 kiến nghị các địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB của dự án, đặc biệt là việc di dời các vị trí đường điện, cáp quang, đường ống nước. Bên cạnh đó, có những giải pháp đẩy nhanh công tác cấp phép các mỏ trong quy hoạch đã tổ chức đấu giá để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình, có giải pháp ổn định giá vật liệu đất đắp trong quá trình thực hiện.

Đối với việc biến động giá vật liệu (đặc biệt giá thép), Ban Quản lý Dự án 6 kiến nghị có giải pháp đề xuất nhằm bình ổn giá trình cấp có thẩm quyền quyết định. Việc điều chỉnh giá cho các hợp đồng xây lắp, kiến nghị nghiên cứu phương án điều chỉnh giá riêng đối với các hạng mục sử dụng nhiều vật liệu thép, đồng thời kiến nghị địa phương công bố thông báo giá theo tháng nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan trong giai đoạn giá cả biến động như hiện nay. Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư/DNDA đẩy nhanh công tác huy động vốn, lựa chọn nhà thầu theo tiến độ của hợp đồng.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP