Bạn cần biết

Bí ẩn cái chết ngược đời: Trong khoảnh khắc sắp chết cóng, chúng ta sẽ tự động cởi bỏ quần áo - Đâu là lý do?

Với những cái chết do hạ thân nhiệt ở châu Âu, 25% người chết khỏa thân một phần hoặc khỏa thân hoàn toàn khi được tìm thấy, cùng với một "nụ cười quái gở" trên khuôn mặt.

Nếu ai đã từng xem bộ phim "Everest" của đạo diễn Baltasar Kormákur phát hành năm 2015 sẽ không thể nào quên được chi tiết vô cùng kỳ lạ: Một nhà leo núi không may bị mắc kẹt trên đỉnh Everest giá lạnh, ban đầu nhiệt độ thấp khiến anh ta đông cứng, thế nhưng không hiểu tại sao đột nhiên anh ta lại phát điên, cởi từng lớp quần áo trên người mình ra.

Tình tiết này cũng từng xuất hiện trong bộ phim kinh dị "Căn phòng tử thần" của Mỹ. Nếu theo logic bình thường, có thể nhiều người sẽ cảm thấy chi tiết này thật kì quặc. Thế nhưng trên thực tế, điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Hiện tượng lạ lùng này được khoa học đặt tên là "cởi quần áo nghịch lý" (Paradoxical Undressing) - thuật ngữ mô tả hành vi tự lột quần áo của nạn nhân trong thời điểm cơ thể đang hạ nhiệt.

Đây là hành vi hoàn toàn trái ngược với bản năng sinh tồn của con người khi đối diện với nguy cơ sống còn. Nó thường xảy ra ở nạn nhân có nhiệt độ cơ thể quá thấp (thân nhiệt dưới 35° C), thuộc loại hành vi vô thức của cơ thể con người.

Đã có nhiều ví dụ về hiện tượng "cởi quần áo nghịch lý" này được ghi lại! Nổi tiếng nhất phải kể đến sự kiện đèo Dyatlov- một vụ án trong đó chín người đi bộ leo núi đã chết một cách bí ẩn vào đêm ngày 2 tháng 2 năm 1959 ở bắc dãy núi Ural.

Vào thời điểm được tìm thấy, các thi thể đều chỉ còn lại lớp quần áo mỏng hoặc thậm chí không mặc gì cả, áo khoác leo núi vẫn còn để trong lều. Nhiều suy đoán đã được đưa ra như lạc đường, gặp tuyết lở, và "cởi quần áo nghịch lý" cũng không nằm ngoài số đó.

Đài Loan cũng từng ghi nhận trường hợp tương tự tại khu vực hồ Chiaming nằm ở độ cao 3.300 mét so với mực nước biển. Khi các nạn nhân được tìm thấy, thi thể của họ đều khỏa thân hoặc bán khỏa thân, trong một môi trường quanh năm dưới âm 10°C.

Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ là suy đoán về hành vi. Vậy thế giới có ghi nhận hồ sơ thực tế nào về hiện tượng "cởi quần áo nghịch lý"?

Vào mùa đông năm 1847, một nhóm người Hoa Kỳ muốn cùng nhau vượt qua dãy núi Sierra Nevada để đến California. Tuy nhiên không may là họ đã mắc kẹt trên núi bởi một cơn bão tuyết bất thường. Vì đã làm mất rìu trong khi tìm nơi trú ẩn, họ không thể đốn củi đốt lửa sưởi ấm, cả nhóm chỉ đành dựng một căn lều đơn sơ rồi quây quần bên nhau để giữ ấm.

Nguồn ảnh: Sohu

Giữa đỉnh núi gió tuyết thét gào, Patrick Dolan- một thành viên trong nhóm đột nhiên phát điên, anh lẩm bẩm một mình rồi cởi bỏ quần áo xông ra khỏi lều. Bởi vì tất cả đều đang kiệt sức vì đói và lạnh, không ai dám đuổi theo Patrick.

Sau vài giờ lang thang bên ngoài, Patrick quay lại khu lều chung, các thành viên trong nhóm ngay lập tức kéo anh ta trở lại. Thế nhưng chỉ ít phút sau Patrick đã chết trong tình trạng khỏa thân. Những thành viên trong nhóm may mắn sống sót đã chứng kiến ​​và ghi lại cảnh tượng kỳ quặc này.

"Tự cởi quần áo" và "đào hang"

Từ năm 1978 đến năm 1994, trong 69 cuộc điều tra về cái chết do hạ thân nhiệt ở châu Âu, người chết được chia thành hai loại: Chết trong nhà và chết ngoài trời.

Ở ngoài trời, 25% những người chết khỏa thân một phần hoặc khỏa thân hoàn toàn khi được tìm thấy, với "nụ cười quái gở" trên khuôn mặt.

Theo kết quả khám nghiệm, hầu hết những người đó đều cởi bỏ quần áo ở phần dưới cơ thể trước tiên (quần và giày), sau đó là áo khoác, áo sơ mi. Họ vừa đi vừa từ từ cởi bỏ từng lớp quần áo của mình.

Những hành vi kỳ lạ như thế này cũng xảy ra với trường hợp tử vong trong nhà. 14 trường hợp được ghi nhận đã cố gắng chui vào một không gian hẹp ngay trước khi chết cóng. Có vẻ như họ đang tìm nơi trú ẩn để sưởi ấm, nhưng trước đó họ vẫn không quên cởi bỏ quần áo của mình. Thi thể người chết đều khỏa thân khi được tìm thấy.

Vậy nguyên nhân cho hành vi cởi quần áo bất thường này là gì?

Chúng ta đều biết rằng con người là động vật máu nóng (nhiệt độ cơ thể dao động không lớn, không phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài). Thân nhiệt bình thường của con người cần được duy trì ở khoảng 36,8°C. Nếu thấp hơn nhiệt độ này, cơ thể sẽ tạo ra một loạt các phản ứng sinh lý để tự vệ.

Trong y học, nhiệt độ cơ thể thấp hơn 35°C được gọi là "hạ thân nhiệt". Hạ thân nhiệt được chia thành 3 giai đoạn: Run rẩy, ớn lạnh (32-35°C); Bất tỉnh (28-32°C); Hôn mê, tim đập chậm hoặc ngừng đập (20-28°C).

Các giai đoạn hạ thân nhiệt. Nguồn: Internet

Các nhà khoa học lý giải hiện tượng này bằng hai nguyên nhân:

Đầu tiên, để ngăn nhiệt độ thoát ra ngoài, các mạch máu của cơ thể sẽ bắt đầu tự động co lại. Đây là sự co thắt theo phản xạ tự vệ tự nhiên của các mạch máu. Tuy nhiên theo thời gian, các cơ bắp cần thiết trong quá trình co mạch trở nên kiệt sức và không thể hoạt động đúng chức năng, khiến máu ấm chảy ra tứ chi.

Điều này sẽ tạo nên một cơn nóng đột ngột cho nạn nhân - người đang mất tỉnh táo. Nạn nhân sẽ quên đi cái lạnh, cảm thấy nóng bức và tự cởi quần áo của mình. Thế nhưng tất nhiên đây chỉ là phản ứng nhất thời của cơ thể, nạn nhân cuối cùng sẽ chết vì giá rét.

Một cách giải thích khác đó là: Nhiệt độ quá lạnh đã khiến trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi của não bị nhiễu loạn, từ đó phát ra những tín hiệu sai lệch. Những tín hiệu này khiến các nạn nhân lầm tưởng mình đang rất nóng, và tất nhiên sẽ cởi bỏ hết quần áo của mình.

Nhiệt độ quá lạnh đã khiến trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi của não bị nhiễu loạn. Nguồn: Sohu

Ngoài ra còn có một suy đoán khiến nhiều người phải suy tư: Phải chăng não biết rằng mình sắp chết nên đã ra lệnh cho cơ thể cởi bỏ quần áo để kết thúc quá trình đau đớn này càng sớm càng tốt?

Và bằng cách phát ra các tín hiệu nhiệt độ sai lệch đánh lừa cơ thể, nạn nhân có thể chết một cách tương đối "nhẹ nhàng".

Ngoài ra hành vi "đào hang" bên cạnh việc cởi quần áo bất thường cũng được các học giả Đức giải thích là biện pháp bảo vệ kích thích thân não. Nhiệt độ cực thấp đã kích hoạt bản năng "ngủ đông" của cơ thể con người, từ đó các nạn nhân sẽ vô thức chui vào những khoảng trống nhỏ để giúp giảm thoát nhiệt.

Tác giả: Tiểu Ngọc

Nguồn tin: Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP