Thế giới

168 người chết trong thảm kịch mưa lũ kinh hoàng tại châu Âu

Số người chết do mưa lũ lịch sử tại một số khu vực ở Tây Âu đã lên tới 168 trường hợp, trong khi lực lượng cứu hộ đang chạy đua để tìm kiếm người mất tích.

Xe ô tô ngập trong nước ở Erftstadt-Blessem, Đức sau trận mưa lũ lịch sử (Ảnh: Reuters).

Số người chết ở bang Rhineland-Palatinate miền tây Đức, nơi có vùng Ahrweiler bị ảnh hưởng nặng nề, đã tăng lên 98. 43 người khác được xác nhận đã tử vong ở bang North Rhine-Westphalia lân cận.

Trung tâm khủng hoảng quốc gia của Bỉ công bố số người chết được xác nhận tại nước này lên tới 24 và dự đoán con số này sẽ tiếp tục tăng lên.

Người dân lội nước đi sơ tán ở Bỉ (Ảnh: Getty).

Những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại các nước Tây Âu đã biến những con sông nhỏ và đường phố trở thành những cơn lốc xoáy kinh hoàng trong tuần này, gây ra trận lũ lụt thảm khốc cuốn trôi xe hơi, phá hủy nhà cửa và khiến người dân bị mắc kẹt.

Cây cối đổ nghiêng và phương tiện bị cuốn trôi tại một khu vực ngập lụt sau trận mưa lớn ở Kreuzberg, Đức (Ảnh: Reuters).

Ngay sau khi lũ lụt xảy ra hôm 14/7 và 15/7, các nhà chức trách đã thống kê số lượng lớn người mất tích. Thông tin liên lạc bị gián đoạn ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó một số nơi bị mất điện và sóng điện thoại, khiến việc thống kê thiệt hại gặp nhiều khó khăn.

"Rất nhiều người đã mất tất cả những gì họ dành dụm cả đời để gây dựng - tài sản, nhà cửa, mái nhà trên đầu họ. Phải mất vài tuần nữa mới có thể xác định rõ mức độ thiệt hại", Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết.

Bên trong căn hộ đổ nát do mưa lũ tại Đức (Ảnh: NBC).

Tổng thống Steinmeier nói rằng người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng đang trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tổng thống Steinmeier cho biết ông bị "choáng váng" trước sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt.

"Nhiều người ở đây ở những khu vực này không còn gì trong tay, ngoài hy vọng và chúng tôi không được dập tắt niềm hy vọng này", ông Steinmeier nói.

Đống đổ nát sau trận mưa lớn ở Trooz, Bỉ (Ảnh: Reuters).

Quân đội Đức đã sử dụng xe bọc thép để dọn sạch ô tô và xe tải bị ngập trong nước lũ. Các nhà chức trách lo ngại rằng một số người đã không kịp sơ tán khỏi khu vực Erftstadt, nhưng không có thương vong nào được ghi nhận tính đến chiều 17/7.

Tại khu vực Ahrweiler, cảnh sát cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn từ đường dây điện bị sập và kêu gọi những du khách hiếu kỳ tránh xa khu vực nguy hiểm. Khoảng 700 người đã phải sơ tán khỏi một khu vực ở Wassenberg, Đức, nơi giáp biên giới với Hà Lan, sau vụ vỡ đê trên sông Rur.

Dọc biên giới phía đông Bỉ, các tuyến đường sắt và đường bộ vẫn bị phong tỏa ở nhiều khu vực. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã đến thăm các thị trấn bị thiệt hại do lũ lụt hôm 17/7.

Một đoàn tàu chìm trong nước lũ tại nhà ga địa phương ở Kordel, Đức (Ảnh: AP).

Các khu vực phía nam của Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt kinh hoàng. Các tình nguyện viên đã làm việc suốt đêm để đắp đê và bảo vệ các tuyến đường. Hàng nghìn cư dân đã được phép trở về nhà vào sáng 17/7 sau khi được sơ tán 2 hôm trước đó.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người đã đến thăm khu vực lũ lụt hôm 16/7, nói rằng "ban đầu là Covid-19, bây giờ là lũ lụt, và mọi người sẽ sớm phải bắt tay vào việc dọn dẹp và phục hồi".

"Hết thảm họa này đến thảm họa khác. Nhưng chúng tôi sẽ không bỏ rơi Limburg, tỉnh miền nam bị lũ lụt tấn công", ông Rutte nói thêm.

Nước dâng tới cửa nhà ở Geulle, Hà Lan (Ảnh: Getty).

Tại Thụy Sĩ, mưa lớn đã khiến một số sông và hồ bị vỡ bờ. Chính quyền thành phố Lucerne đã đóng cửa một số cây cầu dành cho người đi bộ bắc qua sông Reuss.

Các chuyên gia mô tả đợt lũ lụt nghiêm trọng ở châu Âu trong những ngày vừa qua là đợt lũ lụt "lớn nhất trong một thế kỷ". Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân gây ra các trận mưa lớn và các hình thái thời tiết cực đoan khác.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP