Ngôi nhà nơi Khuyên ở |
Một mình lủi thủi
Bố bỏ đi khi em mới được 2 tuổi, lúc lên 4 tuổi, mẹ lại bỏ đi lấy chồng xa để em sống với bà nội. Trớ trêu thay năm 2018 bà nội cũng bỏ em đi lấy chồng. Kể từ đó, cậu bé 10 tuổi sống lủi thủi một mình trong ngôi nhà tranh với hàng nghìn khe hở lạnh thấu trời. Hoàn cảnh éo le đó chính là em Đặng Văn Khuyên học sinh lớp 5D, trường tiểu học Thành Long, xã Thành Long (Hàm yên, Tuyên Quang).
Một cậu học trò nghèo lại sống một mình nên lúc nào cũng tự thân vận động, bất kể, dù trời nắng hay mưa Khuyên chưa một ngày nào nghỉ học. Trong suy nghĩ của Khuyên, em tự nhủ phải chăm sóc bản thân thật tốt, không bao giờ được gục ngã. Lúc nào em cũng thôi thúc mình phải biết vươn lên trong cuộc sống, vượt qua mọi 'bão giông' để mai này lớn lên bằng chính sự gian nan, khổ nhọc đó sẽ làm cho em trưởng thành hơn.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Khuyên rất ngoan và chịu khó học hành |
Dù thiếu thốn tình cảm từ nhỏ nhưng Khuyên rất ngoan ngoãn, lại chăm học. Tuy không phải là học sinh giỏi nhưng với hoàn cảnh và nghi lực vươn lên trong học tập của em khiến bạn bè và thầy cô ai cũng yêu mến.
Hàng ngày, ngoài những giờ lên lớp, Khuyên thường lên rừng hái măng để làm rau sống qua ngày. Còn gạo em được các bác, cô giáo và hàng xóm giúp đỡ. Cuộc sống của em chỉ quanh quẩn với mấy bức tường ọp ep trong ngôi nhà đơn sơ, chẳng có ai bầu bạn. Cái ăn, cái mặc đã thiếu thốn rồi nhưng đến nơi ở của em cũng chẳng được tử tế.
Căn nhà của Khuyên không có gì đáng giá |
Ngôi nhà của Khuyên được làm bằng gỗ, lợp mái tranh đã cũ kĩ, xung quanh chỉ là những liếp tre, nứa không được che chắn cẩn thận. Mùa hè không nói nhưng ở vùng núi, mùa đông đến với hàng nghìn khe hở như vậy sẽ chẳng thể ấm nổi.
Vào sâu trong căn nhà trống hoắc trống hơ chẳng có gì đáng giá, duy chỉ có cái giá bễ, mấy cái nồi, và vài cái bát để em ăn uống. Bên cạnh bếp đun nấu được Khuyên trải manh chiếu nhỏ để lấy chỗ nằm ngủ. Cái ăn, chỗ ngủ cũng tạm bợ, liệu cuộc sống của Khuyên, con đường đến trường của em có bị vủi tắt?
Bữa cơm của Khuyên là cơm trắng, măng luộc và bát muối ớt |
|
Khuyên sống với bà nội từ nhỏ nên em chẳng biết mặt bố như nào? Bố bỏ khuyên khi em còn bé, kể từ đó đến giờ bố Khuyên về qua nhà 1 lần rồi đi luôn, cũng chẳng gửi tiền về nuôi dưỡng, chăm sóc Khuyên. Trong thâm tâm của Khuyên em vẫn mong ngóng một ngày nào đó, bố sẽ về đoàn tụ, bù đắp mọi yêu thương cho em.
Đến ngày 15/11, khi Khuyên đang học trên lớp, em nhận được tin như sét đánh ngang tai, bố bị tai nạn chết trên cửa khẩu Lạng Sơn. Khi ấy, dù chẳng biết mặt bố như nào, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong trường, Khuyên xin nghỉ học, cầm 10 triệu đồng lên Lạng Sơn đưa thi thể bố về nhà để tổ chức ma chay.
10 tuổi nhưng Khuyên làm bao nhiêu việc |
Do hoàn cảnh của Khuyên khó khăn nên khi đưa được thi thể bố về nhà, chính quyền địa phương, hàng xóm đã chung tay giúp đỡ Khuyên để mai táng cho bố. Cuộc sống của Khuyên đã khổ nay còn khốn khổ hơn, khi mà tia hy vọng một ngày nào đó bố sẽ về đoàn tụ với em. Giờ đây, dù bố đã về... nhưng chỉ là một cỗ quan tài khiến em càng suy sụp hơn.
Chỗ ngủ của Khuyên được trải chiếu và cá chăn mỏng |
Chia sẻ về hoàn cảnh của Khuyên, cô Phạm Thị Nga (giáo viên chủ nhiệm của Khuyên) tâm sự, Hoàn cảnh của Khuyên rất đáng thương. Hai bên nội, ngoại đều ở gần, nhưng mẹ bỏ đi lúc Khuyên 4 tuổi, bên ngoại không nhận cháu, họ không có trách nhiệm với Khuyên. Còn bên nội, bà nội ở với em được mấy năm, sau đó đi lấy chồng ở Yên Bái từ năm 2018, thỉnh thoảng mới về. Ở gần nhà Khuyên còn có 2 bác, tuy nhiên, điều kiện, hoàn cảnh cũng khó khăn nên không ai nuôi dưỡng được.
Bữa cơm trắng cùng măng chấm muối ớt
"Thương em ấy lắm, mẹ thì như vậy, bố cũng bỏ đi không về, đến khi chết mới đưa về đây, em ấy có được gọi bố đâu, còn chẳng biết mặt bố như nào? Khi tôi gặng hỏi có nhớ bố không, Khuyên lí nhí bảo có. Gần nhà có bác ruột ở cạnh, thi thoảng bác cho ít gạo, còn mọi người ai cho cái gì thì em ấy ăn cái đó", cô Nga nói.
Khuyên và cô giáo Nga ngồi tước măng |
Cô Nga bảo, do không có ai kèm cặp nên học lực của Khuyên ở mức trung bình khá. Tuy nhiên, Khuyên rất ngoan, từ nhà Khuyên đến điểm trường hơn 2km, còn đến trường chính gần 20km. Chiếc xe đạp Khuyên đang đi cũng là cô vừa mới xin về để cho Khuyên đến trường. Khuyên còn thiếu thốn nhiều thứ như quần áo, chăn màn...
"Tôi và các thầy cô trong trường vẫn hay vào nhà Khuyên mang đồ cho em ý. Tôi cũng có trao đổi với bà nội sao không đón cháu đi cùng thì bà bảo, ông chỉ nuôi được bà không nuôi được cháu", cô Nga nói.
Theo cô Nga, mấy hôm trước cô và giáo viên ở trường vừa vào thăm, hỗ trợ Khuyên. Em ấy khoe mới lấy được mấy cái măng trên rừng về. "Tôi có bảo em ấy bỏ ra đây cô xem, rồi đi tìm con dao cô tước măng cho. Nghe xong em ấy dạ rồi nói, nhà em không có dao nên 2 cô trò lại ngồi xé bằng tay". Sau hôm ấy trở về, cô Nga nghe tin bố Khuyên bị tai nạn mất. Cả trường, ai cũng thương hoàn cảnh của Khuyên. Đi học, Khuyên được miễn học phí, còn sách thiếu quyển nào cô giáo đi mượn, vở được cấp phát.
Khuyên đã quen với công việc chỉ có một mình |
Hàng ngày, bữa ăn của Khuyên không có đầy đủ chất dinh dưỡng như những bạn cùng trang lứa. Hôm nào Khuyên lên rừng thì có có cái măng, cái rau ăn cùng, không chỉ ăn cơm không.
"Có măng là còn tươm đấy, nhìn em ấy bưng bát cơm ăn măng chấm với muối ớt mà tôi rớt nước mắt. Có hôm chẳng có gì ăn, em ấy lại ăn cơm không. Nhiều lúc đói, đi ra trường lại bảo cô nấu cho gói mỳ tôm ăn tạm", Cô Nga kể.
Khuyên chẳng biết mặt bố nhưng khi nghe tin bố bị tai nạn tử vong em đã lên Lạng Sơn đưa thi thể bố về nhà |
Cô Nga bảo, sau khi cô chia sẻ câu chuyện của Khuyên lên mạng có rất nhiều người muốn liên hệ nhận nuôi Khuyên. Tuy nhiên, khi trao đổi với Khuyên em ấy nói tự lập được rồi nên không muốn đi đâu. "Em ấy bảo sống ở đây quen rồi, biết lên rừng kiếm cái ăn nên không muốn đi đâu cả". Điều cô Nga lo nhất là cả một chặng đường, tương lai của Khuyên còn dài, từ nay đến năm 18 tuổi, em sẽ ra sao nếu cữ mãi sống như vậy?.
Chiều 19/11, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Tám - Chủ tịch UBND xã Thành Long (Hàm Yên, Tuyên Quang) cho biết, trên địa bàn xã hoàn cảnh của cháu Khuyên là đặc biệt khó khăn. Bố cháu bỏ đi làm ăn xa vừa mới mất, mẹ bỏ đi khi cháu còn nhỏ. Mới đây, bà nội cháu bé cũng bỏ đi cùng một người đàn ông khác để lại cháu một mình.
Chiếc xe đạp của Khuyên được cô giáo Nga mới xin cho |
Tuy nhiên, cháu bé cũng có anh em, họ hàng gần nhà giúp đỡ. Hiện chính quyền địa phương cùng với các cấp ban nghành đang lên phương án để hỗ trợ cháu bé có cuộc sống tốt nhất về lâu dài.
Mới 10 tuổi phải một mình, từ nấu ăn, rửa chén, giặt đồ… là những công việc thường nhật của Khuyên. Thế nhưng, cũng như bao đứa trẻ khác, Khuyên còn nhỏ và em sợ bóng tối. Bởi khi màn đêm buông xuống, em phải co ro một mình trong căn nhà hiu quạnh, gió lùa vào tứ phía.
Có lẽ cũng vì muốn chứng tỏ bản thân trưởng thành, mạnh mẽ đủ để bảo vệ người khác, Khuyên chẳng bao giờ chia sẻ nỗi buồn cho ai, kể cả những lúc cô đơn nhất…
Tác giả: Cao Nguyên
Nguồn tin: Doisongplus.vn