Trong tỉnh

Qua 6 đời Chủ tịch xã, không giải quyết nổi 100 m2 đất ở cho thương binh nặng - Kỳ II

Sau khi bài viết "Qua 6 đời Chủ tịch xã, không giải quyết nổi 100m2 đất ở cho thương binh nặng" được đăng tải, thương binh nặng Đặng Văn Phương đang nằm điều trị tại bệnh viện, do vết thương cũ ở phổi tái phát. Qua điện thoại ông nói: "Sau này khi tôi mất, theo quy định thương binh nặng 81% trở lên chết do vết thương cũ tái phát thì được công nhận là liệt sĩ. Nguyện vọng của tôi là muốn mua lại 100 m2 đất đó để làm chỗ thờ cúng sau này…”

"Quả bóng" trách nhiệm đá từ chỗ này sang chỗ khác

Như bài báo trước, Báo điện tử Ngày mới, Báo Người cao tuổi đã phản ánh về hoàn cảnh của ông Đặng Văn Phương, từ năm 1984 ở Trại Điều dưỡng thương binh nặng trở về địa phương, ở xóm 8, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ông không có đất ở, được UBND xã Đỉnh Sơn cho "mượn bằng miệng" một lô đất trước cổng chợ Cây Chanh cũ, với diện tích bám mặt đường 16 mét. Lô đất trên ông xây thành 4 gian ốt để buôn bán và đưa cả nhà ra đó sinh sống ổn định 25 năm, đến năm 2009 thì địa phương phân lô đất này thành 4 lô để đấu giá, yêu cầu ông phải tháo giỡ trả lại mặt bằng cho xã Đỉnh Sơn. Thấy địa phương bán đất ở, ông Phương đã làm đơn xin mua lại lô số 4 có diện tích 100m2, trên lô đất đó, đang có gian ốt của ông sinh sống từ năm 1984 đến nay. Ba gian ốt còn lại, ông tự tháo giỡ trả lại mặt bằng cho địa phương. Ngày 8/3/2010, ông Phương viết đơn xin mua đất làm nhà. Trong đơn, ông viết: "Năm 1970, tôi ra quân, làm đơn tình nguyện về địa phương, từ đó đến nay tôi đã tham gia nhiều tổ chức xã hội ở địa phương, làm đội trưởng đội gạch ngói của xã. Mua công trái 50 ngàn, mua 350 cổ phần cho cửa hàng mua bán HTX, tham gia hai khóa Uỷ ban MTTQ huyện Anh Sơn, từng là ông bầu của đội bóng xã nhà…Tôi đã được tặng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An, Giấy khen của UBND huyện Anh Sơn và xã Đỉnh Sơn. Năm nay, tôi đã 64 tuổi, về địa phương đã 40 năm mà gia đình tôi chưa được một lần ưu tiên gì. Thậm chí chiếc Radio nhỏ để nghe tin tức trong nước cũng không được ưu tiên. Nguyện vọng của tôi là được Nhà nước cấp, hoặc mua 100m2 đất ở để sau này làm chỗ thờ phụng...".

Thương binh nặng Đặng Văn Phương

Ngày 11/5/2010, Uỷ ban MTTQ huyện Anh Sơn đã có Công văn số 63 phúc đáp đơn của ông với nội dung: "Chúng tôi đã chuyển đơn của ông về Phòng LĐ-TB&XH huyện Anh Sơn và đề nghị ông đến Phòng LĐ-TB&XH huyện để tìm hiểu kỹ…" Tiếp đến, đơn của ông lại được Thanh tra huyện Anh Sơn chuyển đến cho Phòng TN&MT huyện. Phòng này lại hướng dẫn ông gặp Ban Chính sách và UBND xã Đỉnh Sơn. Quá chán nản ông Phương gửi đơn sang cho Huyện ủy, Huyện ủy lại chuyển đơn sang cho UBND huyện.

Lời hứa kéo dài…7 năm

Giải quyết đơn mua đất của ông Phương, ngày 17/5/2013, UBND xã Đỉnh Sơn tổ chức buổi làm việc giữa ông Phương với UBND xã. Đại diện UBND xã gồm: ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Đình Hữu, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, bà Nguyễn Thị Thành, cán bộ Địa chính xã. Tại buổi làm việc hai bên đã thống nhất: "Ý kiến đề nghị của ông Đặng Văn Phương,UBND xã ghi nhận, có trách nhiệm hướng dẫn cho ông làm đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Riêng lô số 4 cũng phải giải phóng mặt bằng, cắm mốc, làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét cấp hoặc bán theo giá quy định của nhà nước cho ông Đặng Văn Phương". Mặc dù cam kết bằng văn bản rõ ràng như vậy, nhưng ông Phương vẫn không được mua 100 m2 đất nói trên. Lần này, ông Phương chuyển sang "phương án hai" là viết đơn trình bày với cương vị người có công với cách mạng, gửi các tổ chức đoàn thể và các ông, bà nguyên Chủ tịch UBND xã từ năm 1970 đến năm 2008. Nội dung đơn nêu rõ: "Kể từ khi về địa phương năm 1970 đến nay, các chế độ đãi ngộ của Nhà nước về trợ cấp hàng tháng, tôi được nhận đầy đủ. Còn chế độ ở địa phương như đất ở, tiền hỗ trợ làm nhà đều chưa một lần nào được giải quyết. Vậy tôi làm đơn này trình với các ông bà Chủ tịch qua các thời kỳ xác nhận cho tôi từ trước tới nay tôi chưa được giải quyết chế độ gì ở địa phương". Đơn của ông được cả 5 vị nguyên Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn xác nhận là đúng. Ông Phương hy vọng sẽ được mua 100m2 đất ở. Thế nhưng lần này đến lần khác nguyện vọng của ông vẫn là nguyện vọng. Lý do " đất đó là đất sinh lợi không được cấp mà phải bán đấu giá". Từ ngày UBND xã Đỉnh Sơn "Ghi nhận và có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền xem xét cấp hoặc bán 100m2 đất ở cho ông Đặng Văn Phương" đã 7 năm qua, lời hứa vẫn là lời hứa và sức khỏe của ông Phương thì ngày càng gần đất xa trời.

Nguyện vọng của ông Phương xin được gửi đến UBND huyện Anh Sơn.

Lý do không giải quyết cho ông Phương kéo dài 7 năm qua là "Đất sinh lợi, không định giá mà phải đấu giá". Chính quyền xã Đỉnh Sơn và huyện Anh Sơn có "vô cảm và nguyên tắc" với thương binh Đặng Văn Phương? Quá "khắt khe" quên mất chính sách đãi ngộ đối với thương binh, nhưng địa phương này lại quá "ưu ái" với các đối tượng không thuộc diện người có công khác. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Đình Thọ, ở xóm 8, xã Đỉnh Sơn, họ không thuộc diện ưu tiên gì, nhưng lại được cấp những "mảnh đất vàng" nơi ngã tư đường 7, khu vực Đông y ?!

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, cho biết: " Địa phương không đủ thẩm quyền để cấp hoặc bán đất. Theo quy định đất sinh lợi phải đấu giá chứ không được định giá, vấn đề xin mua đất của ông Phương, Chủ tịch UBND xã không giải quyết được. Nếu giải quyết được thì 5 đời Chủ tịch trước đã giải quyết xong rồi, làm gì đến lượt tôi phải giải quyết ".

Không thuộc thẩm quyền của xã giải quyết, nhưng biên bản của Chủ tịch xã khi làm việc với ông Phương lại kết luận “trình cấp có thẩm quyền cấp hoặc bán cho ông Phương”. Vậy 6 đời Chủ tịch xã, đã có văn bản nào trình UBND huyện, việc ông Phương thương binh nặng có nguyện vọng mua đất để có chỗ ở chưa?. Đối với thương binh nặng thì "khắt khe" như vậy , nhưng các đối tượng không phải người có công lại được "ưu ái" cấp những "mảnh đất vàng" nơi ngã tư đường 7 chợ Cây Chanh"? Không trả lời câu hỏi này, ông Hiếu, Chủ tịch xã Đỉnh Sơn im lặng và cầm điện thoại nhắn tin…

Hàng chục năm qua, thương binh nặng Đặng Văn Phương có nguyện vọng xin mua đất vẫn không được giải quyết. Báo Người cao tuổi đề nghị Huyện ủy và UBND huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, chỉ đạo, xem xét giải quyết đúng chính sách đối với thương binh nặng Đặng Văn Phương, đó mới là hành động thực tế uống nước nhớ nguồn đối với người có công với cách mạng.

Tác giả: Nguyễn Hữu Mai

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP