Trong tỉnh

Nếu còn lãng phí nguồn lực, con đường trở thành tỉnh khá của Nghệ An sẽ còn rất dài

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh “quê hương là nghĩa trọng tình cao" trước lúc rời cõi tạm, Người đã có mong muốn“… Nghệ An sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc“. Năm nay kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm thứ 51, Bác đi xa nhưng Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo. Hợp tác, giúp đỡ và chân thành thẳng thắn đóng góp ý kiến để xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá là trách nhiệm không chỉ của đồng bào, đồng chí trong tỉnh Nghệ An mà còn là trách nhiệm của cả đất nước đối với tỉnh Nghệ An để thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xác định báo chí là cơ quan tuyên truyền nhưng cũng là một đối tác phản biện chính sách để góp phần nhỏ bé vào phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An, từ đó Tạp chí DN&TH đã xây dựng đề tài: Vì sao Nghệ An chưa là tỉnh khá? Đây là bài đầu tiên, xác định một trong những nguyên nhân đang làm cho Nghệ An chưa thể bứt phá.

Đến nay sau hơn nửa thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, đồng bào và đồng chí tỉnh Nghệ An đã nỗ lực cố gắng nhưng Nghệ An vẫn đang là tỉnh nghèo, thu ngân sách chỉ đạt 50% so với nhu cầu chi tối thiểu, thu nhập đầu người chỉ ở mức 60 -70% bình quân chung cả nước. Các tỉnh xung quanh Nghệ An đang có những bước chuyển mình rất ấn tượng, vì vậy san bằng khoảng cách phát triển so với các tỉnh bạn đã khó chứ vượt lên trở thành tỉnh khá là cả một chặng đường rất dài. Phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh kết hợp với sự giúp đỡ về cơ chế chính sách từ Trung ương sẽ là đòn bẩy để đưa Nghệ An sớm trở thành Tỉnh khá. Bao trùm tiềm năng lợi thế của Nghệ An có 2 vấn đề đó là: Tài nguyên và con người. Theo dõi tình hình phát triển kinh tế Nghệ An trong vài nhiệm kỳ qua, khó khăn về nguồn lực để đầu tư hạ tầng đang là nút thắt để Nghệ An vượt lên chính mình để trở thành tỉnh khá. Tuy nhiên, đã nghèo nhưng Nghệ An luôn hào phóng đến hoang phí các nguồn lực để rồi không thể tích lũy mà bứt phá phát triển kinh tế xã hội.

Nhận diện các nguồn lực Nghệ An đang hoang phí không những giúp Nghệ An rút kinh nghiệm mà còn giúp Nghệ An định hình hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn.

Lãng phí tài nguyên đất đai

Theo dữ liệu chúng Tôi thu thập được trong 10 năm qua thì tỷ trọng thu ngân sách từ đất đai trong tổng thu ngân sách Nghệ An đang là trọng số tương đối lớn. Tuy nhiên trên 80% các dự án có sử dụng đất “vàng" để đầu tư dự án bất động sản là chỉ định thầu, thiếu cạnh tranh dẫn đến chênh lệch địa tô không chuyển về ngân sách mà rơi vào một số doanh nghiệp bất động sản. Một số ví dụ để thấy số ngân sách có thể bị lãng phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng:

Khu đất 5.429,7m2 tại số 66 Nguyễn Thị Minh Khai – Thành phố Vinh với nguồn gốc công sản là trụ sở cũ của Cục Thuế Nghệ An đã được UBND tỉnh Nghệ An bán chỉ định cho Chi nhánh Công ty CP Đông Á với giá bình quân đợt 1 là 6,8 triệu đồng/m2 (1.290m2) và đợt 2 là hơn 17 triệu đồng/m2 (1.489,6 m2) trong khi giá thời điểm Sở Tài Chính Nghệ An xác định giá của mỗi m2 tại đường Nguyễn Thị Minh Khai là 90 triệu đồng, trên thực tế giá thị trường giao dịch còn cao trên 100 triệu đồng/m2. Nếu căn cứ cả 2 đợt nộp tiền của Chi nhánh Công ty Đông Á thì Công ty này chỉ phải trả khoảng 35 tỷ đồng để sở hữu 2.779,6 m2 đất trên khu đất được sử dụng là 5.429,7 m2. Tính giá thời điểm 2013 do Sở Tài Chính Nghệ An công bố tại khu vực này thì mỗi m2 là 90 triệu đồng, tiền thuế sử dụng đất của 2.779,6 m2 là hơn 250 tỷ đồng. Như vậy với quyết định bán chỉ định công sản là “đất vàng" với giá bèo bọt thì ngân sách khó khăn của Nghệ An đã mất đi hơn 200 tỷ đồng.

Tương tự là khu đất số 2 đường Trần Phú, có diện tích 2.874m, dù UBND thành phố Vinh xin chủ trương đấu giá nhưng UBND tỉnh Nghệ An vẫn hào phóng bán chỉ định với giá rất thấp cho nhà đầu tư Eurowindows để làm dự án bất động sản.

Các dự án trụ sở của Công ty Viễn thông Nghệ An (VNPT); Trường Cao Đẳng Vinalines; Trụ sở Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà máy Cơ khí Vinh… được quy hoạch các vị trí đắc địa nhưng sau một thời gian đã chuyển đổi thành các dự án BĐS hoặc mục đích khác mà không thông qua hình thức đấu giá theo luật định.

Mới đây UBND Tỉnh đã chấp thuận chuyển nhượng dự án Trung tâm Thương mại Vinh tại phường Hà Huy Tập của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Nghệ An cho Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam khi thời hạn thu hồi dự án đã quá. Việc cho phép chuyển nhượng gần 12.000m2 "đất vàng" trong khi đủ cơ sở pháp lý để thu hồi là việc làm có thể dẫn đến ngân sách tỉnh nghèo Nghệ An mất đi hàng trăm tỷ đồng.

Để đầu tư 8,5 km nối thành phố Vinh với Thị xã biển Cửa Lò, Nghệ An đã mất đến 11 năm mà hiện tại vẫn chưa hoàn thành bởi thiếu vốn, trong khi nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng từ tài nguyên không tái tạo là đất đang bị lãng phí đến vô cảm.

Lãng phí niềm tin của nhân dân

Tất cả những lãng phí nguồn lực đất đai suy cho cùng là làm thất thoát tiền của nhân dân, nhưng ai là người phải chịu trách nhiệm và sai đúng đến đâu vẫn không có câu trả lời minh bạch rõ ràng từ cấp có thẩm quyền và người có trách nhiệm. Việc thanh tra chính phủ chưa thể ban hành kết luận việc chấp hành pháp luật về quản lý đất đai tại Nghệ An từ năm 2016 đang là tâm điểm cho việc lãng phí niềm tin của người dân vào các cơ quan thanh tra giám sát. Phải chăng vì nhân sự điều hành UBND Tỉnh thời điểm đất đai bị lãng phí nhiều là do lãnh đạo tỉnh đã được bố trí vào vị trí công tác khác, nên việc đánh giá đúng sai gặp khó khăn, cả nể. Nếu đúng như vậy thì niềm tin của dân vào chính quyền một lần nữa bị lãng phí.

Niềm tin vào công tác bố trí cán bộ cũng là điểm trừ đối với Nghệ An trong thời điểm hiện Một đồng chí lãnh đạo tỉnh từng là một doanh nhân đứng đầu một Tổng công ty Nhà nước được luân chuyển về Nghệ An để làm Phó chủ tịch tại thời điểm Nghệ An đã có tới 5 người. Bầu vị giám đốc doanh nghiệp vào cương vị Phó chủ tỉnh UBND Tỉnh chắc rằng Tỉnh đã kỳ vọng vào một nhân sự biết giúp tỉnh thoát nghèo. Vậy mà với việc chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Nghệ An chuyển nhượng dự án khi thời hạn triển khai đã hết thay vì thu hồi đấu giá tăng nguồn thu hàng trăm tỷ cho Tỉnh đã cho thấy kỳ vọng có thể đã trở thành thất vọng. Tình trạng hậu duệ thăng tiến thần tốc dù không phổ biến như một số địa phương khác, nhưng một số vị trí quan trọng vẫn xuất hiện “cậu ấm" quyền lực lớn nhanh như Phù Đổng, nhưng năng lực và công hiến đang được nhân dân đặt câu hỏi rất lớn: Có hay không ?

Để thoát nghèo và trở thành Tỉnh khá, Nghệ An ngoài con đường xúc tiến kêu gọi đầu tư thì việc trước nhất là phải biết tận dụng và phát huy nội lực. Tài nguyên thiên nhiên và niềm tin của nhân dân là hữu hạn, nếu vẫn cứ tiếp tục lãng phí như thời gian qua thì con đường trở thành tỉnh khá như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn sẽ xa thêm rất nhiều.

Tác giả: Nam An

Nguồn tin: doanhnghiepthuonghieu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP