Kinh tế

Lập mạng lưới khổng lồ, 'thế trận' vô đối của ông Phạm Nhật Vượng

Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng triển khai dồn dập hàng chục sự kiện lớn chưa từng có khiến không chỉ giới đầu tư mà các chuyên gia cũng ngỡ ngàng. Vingroup không đi theo con đường tích lũy rồi phát triển, mà bùng nổ chiếm thế thượng phong.

Trong kỷ nguyên startup bùng nổ, có những doanh nghiệp có thể nhanh chóng phát triển thành các ông lớn thì vấn đề vốn không còn là tối quan trọng, mà thay vào đó là ý tưởng, là kế hoạch tốt, là công nghệ, nhân lực và quản trị.

Một điều cũng không thể thiếu nữa là thị trường, người tiêu dùng và không gian trong đó có không gian số và không gian thực. Đó còn bao gồm là đất đai để cho dự án được thực thi. Một khi đã chiếm được không gian và con người thì thắng lợi là tất yếu.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản giao hướng dẫn thủ tục đầu tư và giới thiệu địa điểm thực hiện dự án Tổ hợp dịch vụ VinFast của Tập đoàn Vingroup, gửi đến các sở, UBND các thành phố, huyện trực thuộc tỉnh.

Sự nhanh chóng của Thanh Hóa không có gì là bất ngờ bởi hút được những nhà đầu tư lớn như Vingroup là mang đến những dự án lớn, giải quyết việc làm cho người dân và đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Không chỉ Thanh Hóa, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã gửi đề nghị tìm đất để xây Tổ hợp dịch vụ VinFast tại Lạng Sơn. Nhiều khả năng sẽ còn mở rộng trên nhiều tình thành trên cả nước. Mục tiêu không gì khác là xây dựng chuỗi các Tổ hợp dịch vụ VinFast với mục đích tích hợp đầy đủ các tiện ích dịch vụ cho các phương giao thông chạy bằng điện và bằng xăng mà VinFast đang và sắp sản xuất.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Mỗi địa điểm có thể có diện tích lên tới vài cho tới cả chục hecta, và dĩ nhiên phải ở những địa điểm đẹp, đông dân cư, mật độ giao thông lớn. Nhiều người tin tưởng Vingroup của ông Vượng có thể làm được điều này, sau khi nhìn vào những đại dự án bất động sản của Vin ở những vị trí đất vàng trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Cách đây hơn 1 năm, Vingroup cũng đã nhanh chóng lấy được hàng trăm hecta đất tại Hải Phòng để làm tổ hợp VinFast và tất cả đã được xây dựng nhanh chóng như cam kết.

Cũng trong tháng 11, Vingroup đã triển khai đại đô thị VinCity rộng hàng trăm hecta tại Hà Nội, trong đó có xây trường đại học trên diện tích 23 hecta, được quy hoạch là "thành phố đại học", đáp ứng tất cả nhu cầu từ học hành đến tương tác, khởi nghiệp.

Hệ thống chuỗi hàng ngàn cửa hàng tiện lợi VinMart+ tại các khu đô thị hoặc các tòa chung cư, siêu thị VinMart, chuỗi trung tâm thương mại Vincom, hay gần đây là chuỗi nhà thuốc VinFa, thâu tóm chuỗi bán lẻ điện thoại Viễn Thông A và trước đó là chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl,... cũng đang góp phần giúp mạng lưới của Vingroup mở rộng không ngừng.

Vingroup cũng đã nhảy vào lĩnh vực trung gian thanh toán, rót 2.400 tỷ đồng thành lập công ty VINID, xây dựng và chăm sóc khách hàng của Tập đoàn Vingroup.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng mơ làm những điều chưa từng có, với định hướng giai đoạn chuyển đổi trong 10 năm tới, mảng kinh doanh dịch vụ sẽ không còn là phần quan trọng nhất, mà thay vào đó là công nghệ.

Cùng với việc dồn dập ra các dự án, Vingroup chứng kiến quy mô tăng vọt, mạng lưới công ty con tăng bùng nổ với những cái tên mới lạ như: Việt Nam Grand Prix, VinSmart, VinTech... Vốn hóa của Vingroup hiện lên tới 13 tỷ USD, tương đương vốn hóa của hai ông lớn Vinamilk và BIDV cộng lại. Vingroup huy động được rất nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước.

Trong kỷ nguyên startup bùng nổ, có những doanh nghiệp có thể nhanh chóng phát triển thành các ông lớn. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp lớn bứt phá thành các đế chế. Một khi đã chiếm được không gian và con người (đất và dân) thì thắng lợi là tất yếu.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền bắt đáy đã giúp hàng loạt cổ phiếu hồi phục và VN-Index lên gần ngưỡng 920 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản chung chưa cao. Bên cạnh đó, áp lực giảm điểm từ TTCK thế giới có thể tác động lên giá cổ phiếu Việt. Sự thận trọng có thể sẽ xuất hiện.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng đi lên ngắn hạn với đích đến gần nằm tại vùng kháng cự 930 - 935 điểm. Dự báo sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên sắp tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/11, VN-Index tăng 2,96 điểm lên 919,02 điểm; HNX-Index giảm 0,04 điểm xuống 103,91 điểm. Upcom-Index giảm 0,34 điểm xuống 52,06 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 4,6 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP