Trong tỉnh

GPMB cao tốc Bắc - Nam: Phân kỳ để hoàn thành giải ngân, thu hồi đất nông nghiệp trong năm 2019

Theo lộ trình và kế hoạch được giao, trong năm 2019, các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc Nam phải giải ngân nguồn vốn 660 tỷ đồng được Bộ Giao thông Vận tải cấp. Nguồn vốn này được xác định tập trung vào chi trả bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất nông nghiệp. Nếu các địa phương không đưa ra được các kế hoạch chi tiết, các sở ngành không kịp thời hỗ trợ giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách thì mục tiêu đặt ra sẽ khó hoàn thành.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam của tỉnh đã liên tục về các địa phương để đôn đốc việc triển khai thực hiện các bước giải ngân 660 tỷ đồng trước ngày 31/12/2019. Mặc dù đã nỗổ lực, nhưng việc đưa ra các kế hoạch chi tiết về tiến độ và chi tiết phân kì giải ngân nguồn vốn hiện các địa phương vẫn chưa làm được.

Ông Võ Đức An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An chia sẻ: Chúng tôi rất lo lắng. Nếu các địa phương không phân kỳ chi tiết sẽ khó hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thu hồi đất nông nghiệp nằm trong dự án.

Thực tế có nhiều khó khăn đặt ra khiến các địa phương bị động. Chẳng hạn như tại thị xã Hoàng Mai, đến đầu tháng 10, việc xác định mốc giới tại đây vẫn còn vướng mắc. Cụ thể, theo khảo sát của đơn vị tư vấn trích lục, trích đo, tại hai phường Quỳnh Trang và Quỳnh Vinh có đến 189/593 mốc được bàn giao lệch với kết quả đo đạc và một số mốc không thấy trên thực địa.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Sơn - Đội trưởng Đội địa chính, Trung tâm Kỹ thuật Sở Tài nguyên Môi trường cho biết: Trong quá trình xử lý nảy sinh nhiều bất cập. Cụ thể như sai lệch giữa mốc ngoài thực tế và tọa độ hoàn công.

Hiện nhiều địa phương chưa hoàn thành trích đo, trích lục như Hoàng Mai, Diễn Châu, từ đó dẫn đến việc kiểm kê, kiểm đếm vẫn còn dang dở.

Sai lệch giữa mốc ngoài thực tế và tọa độ hoàn công gây khó khăn cho công tác thu hồi đất.


Với những đơn vị đã hoàn thành các bước để đề xuất bồi thường thì lại vướng mắc về chính sách giá, chính sách thu hồi đất đối với phần diện tích còn lại nhưng không đủ điều kiện canh tác, làm giảm nhịp độ công việc.

Ông Trần Văn Hải - Trưởng ban Tư vấn GPMB, UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Qua các buổi họp với nhân dân, bà con có nhiều ý kiến về việc giá đền bù thấp. Bên cạnh đó, một số diện tích khó sản xuất được bà con đề nghị thu hồi.

"Đối với những diện tích không sản xuất trong khung quy định của Chính phủ không rõ ràng, đề nghị tỉnh sớm cho ý kiến để địa phương thực hiện", ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đề xuất.

Làm việc với từng hộ dân về chính sách giá, chính sách thu hồi đất.

Từ thực tế trên, hiện các địa phương chưa đưa ra được kế hoạch giải ngân chi tiết. Trong khi đó, nhiều khó khăn phát sinh trong thời gian tới cũng khó tránh khỏi.

“Những nảy sinh như quá trình công khai giá cũng như nhiều vấn đề khác sẽ làm chậm tiến độ mà mình đã cam kết với Bộ Giao thông Vận tải”, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Võ Đức An nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, 5 địa phương: thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên mới giải ngân được 12,7 tỷ đồng. Trong đó, ngoài Nghi Lộc giải ngân được 9,7 tỷ đồng chi trả cho các hộ dân, số còn lại là kinh phí tạm ứng trích đo của các địa phương. Rõ ràng, nếu với tiến độ như hiện nay và các địa phương không nỗ lực, không phân kỳ chi tiết giải ngân, các sở ngành không kịp thời tháo gỡ vướng mắc thì việc giải ngân 660 tỷ đồng trong năm 2019 rất khó hoàn thành./.

Tác giả: Nguyễn Toàn – Thành Trung

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP