Kinh tế

“Đội gây sốt đất, phân lô bán nền hoạt động chuyên nghiệp”

Tung tin gây sốt đất, sau đó phân lô bán nền kiếm lời là công thức kiếm bạc tỷ của nhiều người.

"Nhà chú T. vừa bán được miếng đất 5 tỷ lận đó con!"

Bây giờ, bên cạnh về các câu chuyện về cuộc sống thường ngày, mẹ tôi lại có thêm chuyện mua bán đất quê xung quanh nhà để kể cho tôi nghe. Miếng đất đó rộng chừng vài trăm mét vuông, nằm khuất sau mấy con hẻm nhỏ.

Khu đất được cắt ra từ đất vườn của chú T. Giá đất tăng lên vùn vụt sau khi con hẻm được mở ra lớn đến mức ô tô có thể vào vừa. Đường nối ra tuyến đường chính phá thế tăm tối của khu đất cũng là cớ để chủ đất tăng giá.

Tuy nhiên, làn sóng giá cao như vậy không chỉ do các yếu tố khách quan như các tuyến đường xung quanh miếng đất được đầu tư nâng cấp theo kế hoạch của các cấp chính quyền. Yếu tố tăng giá đất còn có nguyên nhân do đội ngũ gây sóng, tạo chiêu trò sốt đất. Họ hoạt động chuyên nghiệp như đội nhóm truyền thông - tiếp thị bài bản của một tập đoàn chuyên nghiệp.

Đầu tiên, họ tiếp cận những người dân có đất rộng và gặp khó khăn về tài chính. Để làm được việc như này, đội ngũ biến thành những người thu thập thông tin chuyên nghiệp, len lỏi vào các nhóm dân cư trò chuyện và nắm được người nào cần tiền. Họ tiếp tục lân la đến những nhà này.

Mức giá đất các đối tượng này gạ mua từ rất cao đến siêu cao so với giá tại thời điểm đó. Thông tin bán được đất quê cao khiến cả xóm đang bình yên trở nên xôn xao. Người dân quê chân chất theo sóng, bắt đầu thiêu thân bán đất. Những người từ khá giả thành rất giàu, những người tài sản ít ỏi thành tỷ phú chỉ sau một chữ ký đồng ý sang nhượng tài sản.

Thực trạng tạo sốt đất giả, phân lô bán nền gây ảnh hưởng đến những người có mong muốn mua đất cất nhà hoặc sản xuất. Ảnh minh họa: HA.

Chiêu thứ hai là đội chân rết rêu rao vùng này sẽ có dự án này, dự án kia. Họ gia tăng niềm tin tăng giá cho cả chủ đất và những người mong muốn đầu tư kiếm lời. Chủ đất kỳ kèo đạt giá cao chót vót mới bán. Rồi người đầu tư cắn răng mua lại và bán ra với giá trên trời. Thực trạng này xuất hiện tại khá nhiều địa phương.

Chú T. nói với tôi: "Giá đất tăng cao từ 3-5 lần so với thời điểm cuối năm 2018" do cò đất. Thậm chí, theo nhận định của tôi, con số này đã được chú ấy gia giảm khá nhiều.

Sau khi tầm giá đất địa phương tăng cao, cò đất là người hưởng lợi rõ ràng nhất khi đứng giữa nhận phần trăm của chủ đất và người mua đất. Người khổ nhất chính là người thật sự có nhu cầu mua đất cuối cùng, phục vụ mục đích ở hoặc kinh doanh, sản xuất. Giá đất tăng cao khiến nhiều người khó khăn kiếm đất trồng trọt.

"Tôi muốn kiếm đất để trồng dứa xuất khẩu. Tuy nhiên, giá đất dù thuê hay mua đều cao như hiện nay thì tôi không thể mua nổi. Chắc tôi phải tính hướng khác", một người bạn trạc tuổi than thở. Theo người này, giá thuê đất đã tăng gần gấp 3-4 lần so với năm ngoái. Lý do chủ đất đưa ra là do có người thương thảo mua đất với giá rất tốt.

Kế sau đó là nạn phân lô bán nền tại các vùng quê cũng trở nên nhức nhối. Đất đang trồng mía - những loại cây kinh tế chủ lực của một số tỉnh phía Nam - được các đối tượng ra giá rất tốt khi giá và đầu ra nông sản chưa thật sự đạt như mong đợi. Nông dân gác cuốc, chấp nhận bán đất "để đỡ khổ" - bác nông dân hàng xóm làm nghề từ khi tôi còn bé bảo vậy.

Cò đất là đội ngũ chính gây sốt đất ảo và nhóm này cũng được hưởng lợi lớn khi giá tăng chóng mặt. Ảnh minh họa: HA.

Sau khi mua được đất, chủ sở hữu mới bắt đầu công đoạn xẻ đất, tách thửa nhằm phân lô bán nền. Các cây cọc trơ trọi được cắm thẳng tắp để chào đón các chủ mới. Mặc dù UBND các tỉnh đã triển khai rất nhiều biện pháp nhưng thực trạng phân lô bán nền tại các vùng quê vẫn diễn ra. Các quảng cáo đất miếng nhỏ, giá dưới nửa tỷ đồng vẫn xuất hiện đầy rẫy trên các cột điện.

Địa phương ứng phó phân lô bán nền

Thậm chí, hồi 2019, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa đối với đất tại khu vực phường, thị trấn có lộ giới quy hoạch lớn hơn hoặc bằng 20m là 45m2; đường có lộ giới quy hoạch nhỏ hơn 20m thì diện tích tối thiểu bằng 36m2. Tại các xã, đường có lộ giới quy hoạch lớn hơn hoặc bằng 20m thì diện tích tối thiểu được tách là 60m2; đường lộ giới quy hoạch dưới 20m thì bằng 50m2.

Đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đã được quy hoạch sử dụng đất là đất ở để xây dựng nhà ở. Trong đó, thửa đất có diện tích nhỏ hơn 500m2 nếu sau khi tách thửa tiếp giáp với đường giao thông được thể hiện trên bản đồ địa chính thì được tách theo quy định như trên; nếu thửa đất không tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Các tỉnh thành đều đang có biện pháp siết tình trạng phân lô bán nền. Ảnh minh hoạ: HA.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã báo cáo với UBND tỉnh này về tình trạng “sốt đất ảo”, nhất là việc tách thửa, phân lô đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đơn vị.

Mới đây, tỉnh này đã có văn bản cho biết "chuyển mục đích sử dụng đất sau đó tách nhiều thửa đất cho một người đứng tên, có dấu hiệu phân lô trong quá trình giải quyết phải báo cáo về trên để phối hợp với địa phương kiểm tra thực tế, xin ý kiến xử lý từng trường hợp cụ thể. Quan điểm của sở rất nhất quán là xử lý đến nơi đến chốn cán bộ thuộc ngành mình nếu có sai phạm".

Như vậy, nếu có cán bộ nào tiếp tay cho việc tạo sốt đất ảo và phân lô bán nền sẽ bị xử lý.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tác giả: HA

Nguồn tin: Nhịp sống kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP