Giáo dục

Doanh nghiệp trả lương chính thức cho sinh viên chưa tốt nghiệp

Nhiều doanh nghiệp nhận sinh viên trường nghề thực tập cuối khóa và trả lương như nhân viên chính thức. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp công nhận kỹ năng nghề của sinh viên đạt yêu cầu công việc.

Vừa học vừa làm

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) vừa có văn bản số 30/TCGDNN-ĐTCQ chỉ đạo các trường trung cấp, cao đẳng đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN).

Theo đó, Tổng cục GDNN đề nghị các trường áp dụng các biện pháp như: đưa học sinh, sinh viên (HSSV) năm cuối đến thực hành, thực tập theo hình thức vừa học, vừa làm; tổ chức thi kết thúc môn học, mô đun và thi tốt nghiệp tại DN. Đối với chương trình đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ, các trường tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ngay cho người học đủ điều kiện…

Khảo sát tại khu vực TPHCM cho thấy, các trường nghề đang ráo riết thực hiện chỉ đạo này. Theo thạc sĩ Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, ngay sau khi TP cho tổ chức giảng dạy trực tiếp trở lại, trường đã đưa HSSV năm cuối đi thực tập tại DN, sẽ thực hiện xét công nhận tốt nghiệp ngay sau khi HSSV kết thúc đợt thực tập và tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định.

Còn về việc thi kết thúc môn học và thi tốt nghiệp tại DN, từ năm 2012, trường đã liên kết với nhiều DN, đưa HSSV của trường tham gia chương trình "Học kỳ DN", thực hiện mô hình đào tạo kép cho ngành Truyền thông và mạng máy tính...

Với những mô hình này, DN sẽ tham gia giảng dạy, đánh giá, cho điểm kết quả học tập của sinh viên. Còn sinh viên sẽ được dạy kỹ năng thực tế theo phương thức vừa học vừa làm, cung cấp thêm nguồn nhân lực cho DN.

Học sinh Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa được đưa đến trạm sửa chữa học nghề trực tiếp (Ảnh: TC Công nghệ Bách khoa).

Thạc sĩ Đặng Thế Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa cho biết, HS của trường đều được đưa xuống các xưởng, cơ sở kinh doanh để vừa học kỹ năng, vừa làm việc, sản xuất thực tế. Những môn lý thuyết thì trường lên kế hoạch giảng dạy vào ban đêm, cuối tuần hoặc học online.

Với mô hình này, DN có người làm, học sinh được học nghề trực tiếp và giỏi công việc thực tế. Việc học lý thuyết cũng không ảnh hưởng đến thời gian học thực hành, làm việc tại DN của học sinh.

Thạc sĩ Đặng Thế Long cho hay: "Các em học sửa chữa xe máy sẽ được đưa đến các gara, trạm sửa chữa để học. Học ngành y học cổ truyền thì chúng tôi đưa đến Viện Y dược học dân tộc TPHCM để học trồng thuốc, bào chế thuốc, chữa bệnh… bằng cách làm việc trực tiếp".

Trả lương sinh viên như nhân viên chính thức

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Cao đẳng Nova cho biết, mô hình dạy nghề bằng cách đưa HSSV về DN đã được các trường nghề thực hiện từ lâu và đang ngày càng đẩy mạnh hơn về số ngành và thời lượng thực hành theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH.

"Tại trường tôi, SV phải tham gia 3 chương trình thực tập là thực tập nhận thức, thực tập chuyên môn và thực tập cuối khóa. Thực tập nhận thức cho các em có cái nhìn trực quan về nghề mà các em theo học. Thực tập chuyên môn được tổ chức khi học từng mô đun, kỹ năng cụ thể. Thực tập cuối khóa là đánh giá cuối cùng của DN về kỹ năng nghề của các em có đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hay không", TS Thành cho biết thêm.

Theo Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Nova, học nghề là học kỹ năng nên thực hành vô cùng quan trọng, chỉ làm việc thực tế mới biết là mình có hợp với nghề đó hay không, làm được việc mới chứng tỏ mình đã học được kỹ năng nghề đó.

Thạc sĩ Đặng Thế Long cũng cho rằng, học nghề là học làm thợ, làm kỹ thuật viên chuyên nghiệp thì kỹ năng làm việc là yếu tố quan trọng nhất, để học kỹ năng nhanh nhất thì không gì bằng cách đến DN để vừa làm vừa học.

HSSV được học nghề trực tiếp từ công việc thực tế, DN thì có thêm nhân lực (Ảnh: TC Công nghệ Bách khoa).

TS Trần Mạnh Thành chia sẻ: "Sinh viên thực tập cuối khóa sẽ được đưa đến các DN trong hệ thống Nova kinh doanh ngành nghề mà các em theo học. DN sẽ kiểm tra kỹ năng, tùy vào năng lực của từng em mà bố trí vào các vị trí công việc khác nhau và trả lương như nhân viên chính thức. Em nào làm đạt yêu cầu sẽ được tuyển dụng làm việc ngay vị trí mà các em thực tập sau khi tốt nghiệp".

Theo TS Trần Mạnh Thành, DN nhận sinh viên làm việc và trả lương như nhân viên chính thức có nghĩa là đã công nhận kỹ năng nghề của họ đạt yêu cầu, làm được công việc mà DN cần chứ không phải họ làm từ thiện, đã hỗ trợ nơi thực tập còn trả tiền công. Đây cũng là một phương thức thi tốt nghiệp tại DN, là cách đánh giá chất lượng đào tạo tốt nhất đối với chương trình đào tạo của trường.

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP