Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau vừa tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động".
Sinh viên đến thực tập, doanh nghiệp còn lo ngại
TS. Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc (Cà Mau) nêu thực trạng, hoạt động gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có nhiều nội dung còn lỏng lẻo, không như mong muốn. Có nghe ý kiến phàn nàn của doanh nghiệp là nhà trường đào tạo có những nội dung không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
"Có một số doanh nghiệp khi trường gửi học sinh, sinh viên đến thực tập, nếu cho các em tiếp cận sâu sợ bị lộ công nghệ dây chuyền, làm hư hỏng thiết bị nên phân công các em các việc không liên quan", TS. Nhung nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau (Ảnh: Huỳnh Hải). |
Đồng quan điểm với TS. Nhung, theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, việc lo ngại của doanh nghiệp khi sinh viên đến thực tập cho thấy sự phối hợp giữa các bên chưa chặt chẽ, làm cho chất lượng GDNN, cũng như chất lượng đầu ra tìm việc làm chưa đáp ứng nhu cầu.
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc nhân sự Công ty Minh Phú (Cà Mau), cũng nhìn nhận việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa tốt. "Chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn các em có tay nghề tốt nên thời gian qua nhận nhiều em về thực tập.
Tuy nhiên, thấy rằng mối quan hệ thầy hướng dẫn thực tập cho sinh viên với doanh nghiệp còn khoảng cách quá xa, bởi có khi giao hẳn cho doanh nghiệp. Trong khi đó sinh viên đến thực tập, nếu lỡ như làm hỏng về mặt máy móc thiết bị, hay về mặt an toàn lao động thì ai là người chịu trách nhiệm", ông Tâm đặt vấn đề.
Cùng ngồi lại thông tin cho nhau
TS. Nguyễn Hồng Nhung đề xuất, cần tăng cường hơn nữa vai trò của doanh nghiệp với các cơ sở GDNN. Trong đó, doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào việc đánh giá chất lượng đào tạo các cơ sở GDNN. "Như khi trường gửi sinh viên đến thực tập, mong doanh nghiệp đánh giá sát thực, công bằng, công khai, đừng nhẹ tay, nếu nhẹ tay làm cho người học tâm lý chủ quan", TS. Nhung nói.
TS. Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc tại Cà Mau (Ảnh: Huỳnh Hải). |
Các doanh nghiệp cần thường xuyên cung cấp thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, từ đó cơ sở GDNN có cơ sở để đưa ra kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp. Trường thông tin kịp thời nhu cầu việc làm của doanh nghiệp, từ đó các em có trách nhiệm hơn trong học tập khi biết mình ra trường có thể làm ở đâu.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho rằng cần xây dựng mô hình liên kết chuỗi. Đó là doanh nghiệp có nhu cầu cần tuyển dụng bao nhiêu người, rồi ký kết với trường trong việc đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo.
Theo ông Quân, thông tin thị trường lao động cũng rất quan trọng. Chúng ta phải thường xuyên khảo sát xem nhu cầu thực tế người lao động muốn học nghề gì, doanh nghiệp cần nghề gì thì trường đào tạo chứ không đào tạo theo ý riêng mình rồi sau đó không có nhu cầu việc làm.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc nhân sự công ty Minh Phú Cà Mau (Ảnh: Huỳnh Hải). |
Ông Nguyễn Minh Tâm nêu dẫn chứng, công ty xây dựng nhà máy thủy sản nên nhu cầu lao động cần rất nhiều. Do đó, công ty cùng ngành Lao động, các trường ngồi lại với nhau bàn nhu cầu nhà trường đào tạo ra sao. Như công ty cần kỹ sư điện tử, cơ khí, điện lạnh... thì nhà trường đào tạo những ngành kỹ thuật này như thế nào.
"Việc sinh viên đến doanh nghiệp thực tập, tôi thấy rằng cần thiết ngồi lại với nhau để có hướng giải quyết, đảm bảo hài hòa giữa đôi bên", ông Tâm nói.
Ông Tâm cũng đề nghị các trường chia sẻ thông tin ngành này mỗi năm ra trường bao nhiêu người, từ đó doanh nghiệp xem xét số lượng cần tuyển dụng trong 6 tháng hoặc một năm tới như thế nào để tạo việc làm cho các em.