Xã hội

Đô Lương, Nghệ An: Chưa có chủ trương, vẫn ngang nhiên quy hoạch

Việc xin chủ trương quy hoạch, đầu tư, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là cần thiết. Thế nhưng, khi các cấp có thẩm quyền chưa ban hành quyết định, UBND huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan đã ngang nhiên phê duyệt quy hoạch báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu cùng nhiều văn bản khác không đúng với phê duyệt của tỉnh nhằm hợp thức hoá cho doanh nghiệp phá rừng mở đường.

145303baoxaydung 4

“Cầm đèn chạy trước ôtô”

Như Báo Xây dựng trước đó đã có bài viết “Chính quyền tiếp tay cho DN phá rừng phòng hộ?”, phản ánh vụ việc phá rừng phòng hộ để DN vào mở đường phục vụ khai thác đá xây dựng khi chưa có đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật. Để rộng đường dư luận cũng như thông tin thêm sự việc, phóng viên đã tiếp cận thêm các văn bản liên quan cho thấy quy trình quy hoạch để mở rộng làm đường giao thông của UBND huyện Đô Lương cho thấy có nhiều vấn đề bất cập cần được làm rõ.

Theo đề nghị của Sở GTVT Nghệ An tại Tờ trình số 3353/SGTVT-KHTH ngày 26/11/2014 về việc bổ sung Quy hoạch GTVT huyện Đô Lương đến năm 2020 và các điều khoản liên quan, ngày 03/12/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 6770/QĐ.UBND-GT chấp thuận về vấn đề này. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý bổ sung quy hoạch tuyến đường chuyên dụng ĐCD 04 với quy mô đường cấp IV và giai đoạn 2015 đầu tư xây dựng đạt chuẩn đường cấp V. Có nghĩa là, UBND tỉnh đồng ý bổ sung đường phục vụ khai thác đá Lèn 12 Thung, xã Trù Sơn gồm điểm đầu giao với đường huyện Trù - Mỹ (xã Trù Sơn và Mỹ Sơn) tại xóm 5 và điểm cuối tại Lèn 12 Thung kéo dài 1,5km.

Tuy nhiên, trước khi có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch GTVT huyện Đô Lương đến năm 2020 của UBND tỉnh thì chính quyền cấp huyện đã chủ động phê duyệt cho phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình nói trên. Cụ thể, tại văn bản thẩm định của Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND huyện Đô Lương đã thực hiện việc thẩm định và xem xét hồ sơ Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình tuyến đường vào phía sau mỏ Lèn 12 Thung, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương do Cty CP tư vấn và đầu tư Đại Việt lập ngày 29/7/2014. Bên cạnh đó, văn bản của Phòng Tài chính - Kế hoạch cũng đã thẩm định tuyến đường nói trên cũng đã “vẽ” ra các hạng mục chi tiết về con đường với tổng số đất sử dụng khoảng 14.695m2, có chiều dài cũng khoảng 1,83644km…

Điều này có thể thấy rằng, trước khi có Quyết định 6770 ngày 03/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An thì các phòng ban liên quan của UBND huyện Đô Lương đã tự ý ban hành các văn bản trước đó gần 5 tháng?! Ngoài ra, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đô Lương cũng trích dẫn cả căn cứ vào Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 14/7 của UBND huyện Đô Lương về việc cho phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình tuyến đường vào phía sau mỏ Lèn 12 Thung do ông Nguyễn Thanh Bình - Phó phòng TC-KH ký ngày 29/7/2014.

Tỉnh phê duyệt một đằng, huyện làm một nẻo

Tại Quyết định 6770 ngày 03/12/2014 nêu rõ: “Bổ sung quy hoạch tuyến đường chuyên dụng ĐCD 04: Đường phục vụ khai thác đá Lèn 12 Thung, xã Trù Sơn, dài 1,5km”. Thế nhưng tại các văn bản thực hiện sau đó của chính quyền huyện Đô Lương lại cố tình làm trái. Cụ thể tại Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 05/12/2014 cho phép lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình và tại Quyết định số 2621/QĐ.UBND-TCKH ngày 15/12/2014 phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu, đều do ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương ký lại ghi tổng chiều dài tuyến 1,83644km.

Mặt khác, trước đó tại Tờ trình số 413/TTr-UBND xin khảo sát lựa chọn địa điểm, nâng cấp, xây dựng tuyến đường vào phía sau mỏ đá Lèn 12 Thung, do ông Hoàng Quốc Việt - Phó chủ tịch UBND huyện ký, được gửi đến UBND tỉnh Nghệ An, Sở GTVT, Sở Xây dựng xem xét khảo sát địa điểm để cho phép Cty CP Vật liệu 99 nâng cấp xây dựng tuyến đường có chiều dài khoảng 1.400 - 1.500m, rộng khoảng 7 - 8m.

Như vậy rõ ràng UBND huyện Đô Lương đã không trung thực trong thực hiện Quyết định 6670 của UBND tỉnh Nghệ An do Chủ tịch Nguyễn Xuân Đường ký. Tờ trình xin khảo sát lựa chọn địa điểm thì thể hiện dài 1.400 - 1.500m, được tỉnh phê duyệt 1.500m. Thế nhưng khi đã có Quyết định phê duyệt của tỉnh trong tay, UBND huyện lại tự ý nâng tổng chiều dài lên 1,83644km. Vậy số diện tích còn lại của chiều dài tuyến đường tăng lên so với UBND tỉnh phê duyệt là (336,44m x 8) là do ai phê duyệt? Cấp nào phê duyệt?

Vấn đề này chúng tôi xin chuyển đế các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An để sớm có câu trả lời về vấn đề “tiền hậu bất nhất” ở một chính quyền cấp huyện mà dư luận đang quan tâm.

Tác giả bài viết: Quang Hợp - Quỳnh Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP