Du lịch

Dân bức xúc vì vé vào cửa khu di tích tăng gần 3 lần

Khu di tích đồi Tức Dụp được xem là 1 di sản, nằm trên địa bàn tỉnh An Giang, lại được 1 doanh nghiệp quản lý và tổ chức bán vé khá cao gây bức xúc cho người dân.

Khu di tích đồi Tức Dụp được đổi tên thành khu du lịch Tức Dụp - Ảnh: Tô Văn

PV báo điện tử Một Thế Giới nhận được nhiều ý kiến của người dân tại H.Tri Tôn, tỉnh An Giang: vào những tháng gần đây, mỗi lần đi tham quan tại khu di tích đồi Tức Dụp, họ đều phải bỏ tiền mua vé gấp gần 3 lần những năm trước mới được vào. Trong khi địa điểm này nằm ngay ấp Ninh Hòa, xã An Tức, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang và đã gắn bó với nhiều người dân nơi đây từ lâu.

Bảng giá vé 2019 khiến du khách rất bức xúc - Ảnh: Ngọc Hà

Qua quá trình tìm hiểu và xác minh, PV ghi nhận việc nâng giá vé gần gấp 3 lần là đúng sự thật. Khu di tích đồi Tức Dụp được UBND tỉnh An Giang giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai khai thác và quản lý hơn 1 năm nay (trước đó thuộc Công ty cổ phần Du lịch, thuộc sở hữu nhà nước quản lý).

Từ khi tiếp nhận, Công ty Sao Mai đầu tư hàng rào và đền thờ, còn những hạng mục khác thì chưa thấy làm mới. Nhưng rất nhanh chóng, công ty này nâng giá vé từ 24.000 đồng lên 60.000 đồng/vé từ mấy tháng nay. Nhiều người dân không khỏi băn khoăn nghi ngờ và đặt nghi vấn: không đầu tư gì nhiều sao tăng giá vé quá cao?

Ngày 22.9, có 1 đoàn khách tham quan đến từ tỉnh Tiền Giang, khoảng 30 người. Sau khi trưởng đoàn liên hệ vào mua vé thì được nhân viên thu mỗi người 60.000 đồng/người. Họ chê đắt nên lưỡng lự tính bỏ đi. Nhưng một lúc sau, có 1 nhân viên áo đỏ ra đứng thương lượng nói chuyện giảm giá nhưng cả đoàn khách không hài lòng rồi họ kéo nhau bỏ đi về.

Một đoàn du khách yêu cầu đại diện khu du lịch trả lời thắc mắc giá vé cao - Ảnh: Ngọc Hà

Khi PV đặt vấn đề về giá vé thì 1 phụ nữ trong đoàn khách đến từ tỉnh Tiền Giang, bức xúc: “Chúng tui nghe trên báo đài nói về chiến tích đồi Tức Dụp, chúng tôi đi vía Bà (Châu Đốc), sẵn tiện ghé qua đây tham quan cho con cháu nó biết về di tích lịch sử này.

Nhưng khi đến nơi giá vé quá mắc, mà chú nghĩ coi, đoàn chúng tôi khoảng 30 người, nhân 60.000 đồng/vé, tức tổng vào cửa là 1.800.000 đồng vậy có mắc không? Việc thu vé cao như vậy có đúng theo quy định hay không? Tôi nhớ trong Luật Di sản (những nơi có di tích lịch sử - PV) là không được thu tiền”.

Thấy giá vé quá mắc, cả đoàn bỏ ra về - Ảnh: Ngọc Hà

Theo quan sát của PV, ngay tại cửa, công ty đã niêm yết bảng giá và bắt buộc người dân phải mua vé mới vào cổng. Thế nhưng việc niêm yết bảng giá quá cao gây sự bức xúc cho người dân trong và ngoài tỉnh.​

Tấm vé trẻ em được bán cho PV chiều 1.10 với giá 30.000 đồng - Ảnh: Ngọc Hà

Ông Năm T. (67 tuổi, ngụ ấp Ninh Hòa, xã An Tức, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, giá vé vào cổng khu di tích gần gấp 3 lần, nên khi du khách muốn tham quan di tích lịch sử đồi Tức Dụp, ngán tiền vé vào cổng. Vì thế, nhiều đoàn không vào mà xuống gà đốt Ô Thum để thưởng thức món ăn người dân tộc, nơi đây cảnh đẹp, món ngon…

Ông Năm T. phân tích thêm: “Ghé khu di tích thì 4 người hết 240.000 đồng mà cảnh quan sơ sài. Còn ghé Ô Thum được ăn ngon chỉ với giá 250.000 đồng/con gà đốt, vừa nhâm nhi và ngắm cảnh đẹp có phải sướng hơn không? Thay vì vào trong khu di tích đồi Tức Dụp có gì coi đâu, có phát triển gì đâu?

Chứ đúng theo mọi năm, tới tết Đôn Ta (của người dân tộc Khơme - PV) người dân trong và ngoài tỉnh vô đây nhiều dữ lắm. Năm nay vắng tanh! Các quán xung quanh khu di tích tiêu điều do ảnh hưởng về giá vé quá cao của công ty này”.

Cũng theo ông Năm T., trước đây giá giữ xe chỉ 5.000 đồng. Hiện nay giữ xe 10.000 đồng. “Tui nghe mấy người thầu trong công trình khu di tích nói, các công trình này được đầu tư các hạng mục đến 10 năm mới xong, khi đó giá vé có thể đội lên gấp 2 lần. Mà sao tui không hiểu? Lúc trước, nhà nước quản lý, sao bây giờ là tư nhân, nên tui thắc mắc lắm”, ông Năm T. nói.

Khi PV thắc mắc về tấm vé, cô nhân viên không thèm giải thích nói là việc công ty giao xuống, không biết gì - Ảnh: Ngọc Hà

Khu di tích đồi Tức Dụp đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhưng được UBND tỉnh An Giang giao cho doanh nghiệp quản lý rồi thu giá vé đội lên gấp 3 lần tỉnh có biết hay không?

Từ năm 1960, Tức Dụp là căn cứ của Huyện uỷ Tri Tôn và Tỉnh ủy An Giang, là chiếc cầu quan trọng đưa các binh đoàn miền Bắc vượt Trường Sơn qua Campuchia, tỏa xuống khắp chiến trường Tây Nam bộ. Nhiều đám cưới của bộ đội và du kích đã được tổ chức tại đây…

Phát hiện ra Tức Dụp - đầu não của căn cứ cách mạng, Mỹ ngụy đã tập trung đánh phá liên tục như muốn san bằng cả ngọn đồi. Bom đạn không chỉ trút xuống Cô Tô mà còn lan rộng đến nhiều vùng phụ cận, biến cả vùng "trắng" sơ xác tang thương.

Dưới những trận bom bi, bom cay, bom râu, bom bướm, bom dầu, bom xăng... đến pháo bầy, pháo chụp, Tức Dụp không còn một mảng rong rêu hay một sợi dây leo chùm gửi; không còn loài thú hay côn trùng nào sống nổi. Tức Dụp như là đất chết. Vậy mà các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên trì bám trụ giữ lấy địa bàn…

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: Báo Một Thế Giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP