Trong tỉnh

Chuyện lạ ở Nghệ An: Người tàn tật vẫn đi xuất khẩu lao động !?

Là đối tượng khuyết tật dạng vận động, mức độ nặng và được hưởng trợ cấp hàng tháng, vậy mà đối tượng ấy vẫn có thể xuất khẩu lao động làm kinh tế thoát nghèo. Chuyện tréo ngoe ấy đang diễn ra trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc bà Trần Thị Bình (sinh năm 1953) trú tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An được xác định là khuyết tật nặng, bị bệnh tâm thần vẫn có thể xuất khẩu lao động. Sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết khi cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được đối tượng phải chịu trách nhiệm cũng như mức độ xử lý. Không dừng lại ở trường hợp bà Bình, chúng tôi còn tiếp tục nhận được thêm nhiều phản ánh về việc người lao động được hưởng chế độ dành cho đối tượng khuyết tật vẫn có thể xuất khẩu lao động như người bình thường.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Kỳ, sinh năm 1977, trú tại xóm 2B, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương - Nghệ An) là một ví dụ. Ngày 23/3/2017, bà Kỳ cùng một số trường hợp khác được UBND xã Ngọc Sơn có Tờ trình số 06/TTr-UBND gửi UBND huyện Thanh Chương xét duyệt chế độ hưởng trợ cấp chế độ tại cộng đồng. Sau khi tiến hành đầy đủ các quy trình, đến ngày 27/3/2017, UBND huyện Thanh Chương có Quyết định số 1026/QĐ-UBND do ông Trình Văn Nhã - Phó Chủ tịch UBND huyện ký cho bà Kỳ được hưởng trợ cấp hàng tháng. Theo đó bà Kỳ là đối tượng khuyết tật dạng vận động, mức độ: Nặng; mức trợ cấp hàng tháng 405.000 đồng/ tháng và được hưởng trợ cấp từ tháng 3/2017.

Điều kỳ lạ là chỉ ít tháng sau, bà Kỳ đã được tiến hành làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia (Ả Rập). Tại đây, bà Kỳ đã được công ty giới thiệu làm giúp việc cho một gia đình tại RIYADH. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, bà Kỳ đã buộc phải trở về nước vì không chịu nổi vất vả nơi xứ người.

Trao đổi với Phóng viên, bà Kỳ thừa nhận về việc bà được nhận chế độ dành cho đối tượng khuyết tật và không lâu sau đó bà giấu gia đình để đi xuất khẩu lao động với mục đích thoát nghèo. Bà nói: "Sau khi ra Hà Nội, đến ngày 12/10/2017 tôi lên máy bay và có mặt tại Saud Arabia. Làm việc ở đây cực kỳ khổ khi phải làm ngày tận 20 tiếng, bị chủ đánh đập thậm tệ, ăn uống không đảm bảo... Sau đó, vì bị đánh đập quá nhiều nên tôi chủ động tìm mọi cách để trở về nước".

Tại xã Xuân Tường (Thanh Chương - Nghệ An), trường hợp đối tượng Phan Văn Sỹ sinh năm 1993 còn "hoành tráng" hơn khi người này vẫn đang xuất khẩu lao động bình thường tại Đài Loan hơn 1 năm qua. Theo thông tin từ UBND huyện Thanh Chương, anh Sỹ được hưởng chế độ dành cho người tàn tật từ nhiều năm qua, hiện nay mức hưởng hàng tháng là 405.000 đồng/ tháng.
Thế nhưng, được biết từ đầu năm 2017, anh Sỹ đã "xuất sắc" vượt qua các thủ tục, quy trình để có mặt tại Đài Loan để làm ăn. Xác nhận từ ông Phan Văn Cung - bố đẻ của anh Sỹ: "Con tôi đi Đài Loan được hơn 1 năm nay". Khi được hỏi lý do tại sao thuộc diện tàn tật vẫn đi xuất khẩu lao động, ông Cung, nói: "Ở nhà được có mấy trăm không đủ thì phải bươn chải chứ biết mần răng (làm sao - PV)".

Xác nhận thêm từ Chủ tịch UBND các xã Ngọc Sơn và Xuân Tường, Phóng viên được cung cấp là các đối tượng nêu trên đều thuộc diện tàn tật và đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao người có sức khỏe để có khả năng đi xuất khẩu lao động, làm ăn kinh tế ở nước ngoài mà vẫn thuộc diện hưởng chế độ dành cho người tàn tật? Liệu họ có thuộc diện xứng đáng được hưởng tiếp? Có bao nhiêu trường hợp đang diễn ra như vậy và trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thế nào đối với những trường hợp này?

Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 88 / 2018

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP