Giáo dục

Cha mẹ cần làm gì để chống bạo lực học đường?

Trong hầu hết các vụ bạo lực học đường đình đám đã xảy ra, phụ huynh chỉ biết đến khi sự việc bị vỡ lở. Dường như thanh thiếu niên hiện nay đang thiếu và yếu vô cùng những kĩ năng ứng phó, đáp trả trước các hành động bạo lực xảy ra với bản thân.

Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy bảo vệ dân phố đánh đập hai học sinh

Khi cha mẹ là người biết sau cùng

Mới đây, tại trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10 (TP HCM) đã xảy ra trường hợp bảo vệ tổ dân phố hành hung hai thiếu niên tại trụ sở trường. Hai em nhỏ đã đột nhập vào văn phòng trường lấy trộm đồ, bị phát hiện. Trong lúc tra hỏi, bảo vệ tổ dân phố đã có các hành vi bạo lực nghiêm trọng như tát, lên gối thúc vào mặt các em. Kết quả là một em nhỏ bị chấn thương vùng đầu, một em bị chấn thương đầu và cổ.

Điều đáng nói là trước đó, sau khi sự việc phát hiện trộm cắp xảy ra, khi công an có mặt, sự việc đã được giải quyết ổn thỏa, các em nhỏ trộm cắp vặt đã viết bản tưởng trình và được đưa về nhà. Cơ quan cảnh sát, nhà trường và gia đình cũng không hề biết điều gì đã xảy ra cho các em.

Cho đến khi trích xuất camera và clip bị phát tán mới lộ ra cuộc hành hung dã man này. Phụ huynh của hai em cũng chỉ biết chuyện sau khi clip bị lộ, bày tỏ sự phẫn nộ đề nghị cơ quan chức năng xử lý người đánh các em theo quy định pháp luật.

`Thực tế, đã xảy ra không ít sự việc trẻ em bị hành hung, đánh đập dã man mà thầy cô, cha mẹ không hề biết gì cho đến khi các clip về sự việc bị phát tán. Có em bị bạn bè trong lớp đánh hội đồng, dùng nón bảo hiểm đập vào đầu, xé rách quần áo, sỉ nhục trước sân trường. Thế nhưng, khi clip lộ ra, thầy cô giáo thì ngỡ ngàng “chưa nghe đến sự việc trên”, còn phụ huynh thì bàng hoàng “xem clip mà đau đớn và phẫn nộ vô cùng”.

Có cả trường hợp, các em học sinh bị bạo hành trường kì bởi bạn bè trên lớp. Trở thành nạn nhân của trò bắt nạt, sỉ nhục, khiến các em trở nên rụt rè, sợ hãi, lâu dần xảy ra trầm cảm mà cha mẹ vẫn không hề hay biết.

Nghiêm trọng hơn, có những em là nạn nhân của bạo lực đến mức trầm uất và đưa ra lựa chọn tiêu cực, tự tử. Mà chỉ đến khi sự việc xảy ra, cha mẹ và người thân mới biết bấy lâu nay con mình thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, hành hạ.

Đơn cử sự việc diễn ra vào cuối năm 2020 tại Vĩnh Xương, An Giang. Em Y., một học sinh nữ lớp 10 đã uống thuốc trừ sâu tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh cho biết em không thể chịu nổi cảnh giáo viên hành hạ, bạo lực tinh thần em. Hay tháng 1 vừa qua, một em học sinh 13 tuổi đã uống thuốc trừ sâu tự sát, được người nhà đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu. Nguyên nhân là trên lớp học, em ngồi giữa hai bạn nam, thường xuyên bị các bạn bắt nạt, ném sách vở vào đầu…

Cần dạy trẻ kỹ năng ứng phó

Có thể thấy, bạo lực, bạo hành tinh thần đã trở thành hành vi không hiếm ở học đường và nhiều môi trường khác chung quanh trẻ. Thế nhưng, các bậc phụ huynh dù chú trọng việc giáo dục con ở nhiều lĩnh vực, từ học tập đến các năng khiếu, kĩ năng mềm, nhưng hầu như bỏ qua việc dạy con ứng xử với các vấn đề về bạo hành.

Thực tế, trong vấn đề đối mặt với bạo lực, bạo hành, có khá nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong dạy con. Cách đây ít lâu, một người nổi tiếng trên mạng xã hội có viết một bài về dạy con ứng xử với bạo lực. Bài viết nêu quan điểm nên dạy con cứng rắn, thậm chí có thể dùng bạo lực để đáp trả bạo lực, tuyệt đối không nín nhịn, tỏ sự sợ hãi khi bị đối phương bắt nạt. Bài viết nhận sự đồng tình của không ít phụ huynh.

Tuy nhiên, có không ít phụ huynh có ý kiến trái ngược, cho rằng con trẻ nên tránh xa bạo lực. Nếu gặp phải bạn bè gây hấn, có hành vi bạo lực với mình thì nên lập tức báo cho nhà trường và gia đình chứ không nên biến cái sai của người khác thành cái sai của mình…

Thực chất, dạy con ứng phó với bạo lực, bạo hành là chuyện không phải dễ dàng gì. Bởi mỗi một đứa trẻ có tính cách, tố chất cũng như thể lực khác nhau. Bảo một đứa trẻ ốm yếu về thể chất và tinh thần phải mạnh mẽ đối chọi với đối phương đầy tính hăm dọa rất khó khả thi. Ngược lại, bắt một đứa trẻ mạnh mẽ, năng động luôn phải nín nhịn trước những kẻ bắt nạt mình để đi “mách người lớn”, không khéo sẽ gây ra ức chế và tổn thương trong con trẻ.

Vì thế, để dạy trẻ có thể đối mặt với bạo hành và bạo lực, cần thực sự thấu hiểu con trẻ. Và không chỉ là những bài học suông, cha mẹ cũng phải thông qua cách hành xử hàng ngày, thông qua các bài học có sẵn trong cuộc sống để dạy con cách ứng xử khi bạo lực xảy đến với mình.

Dù thế nào đi nữa thì cũng cần hướng cho trẻ biết đối mặt với mọi thứ, biết dũng cảm và mạnh mẽ trong thái độ sống, đồng thời cũng cần luôn thổ lộ với cha mẹ mọi khó khăn mình đang gặp phải, không phải để cha mẹ che chở cho con vô điều kiện, mà để cả gia đình cùng ở bên con trẻ vượt qua.

Và điều đáng nói nhất, đó là cha mẹ cần đủ độ nhạy cảm, đủ quan tâm và không chủ quan, thờ ơ. Lắng nghe những gì con nói và cả những gì con không dám nói, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của con, đừng để nỗi khổ tâm, uất ức của trẻ bị giấu kín trong lòng, để rồi đến lúc mọi sự vỡ ra thì đã quá muộn màng…

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP