Trong tỉnh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 4

Sáng 29/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2022. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Quang cảnh phiên họp

Phối hợp để hoàn thành “Địa chí Nghệ An đương đại”

Tại phiên họp, Ban Thường vụ đã nghe và cho ý kiến về Đề án “Địa chí Nghệ An đương đại”.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi báo cáo tiến độ xây dựng Đề án

Việc biên tập “Địa chí Nghệ An đương đại” nhằm nghiên cứu, biên tập toàn diện và hệ thống về địa lý, môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, thể chất, con người trong quá trình phát triển của Nghệ An đương đại (trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1991 đến 2021). Kết quả nghiên cứu Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu về hiện trạng vùng đất, con người, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Nghệ An đương đại. Đồng thời, tạo thêm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển của tỉnh, xây dựng chính quyền điện tử thông minh; cung cấp các dữ liệu để tăng khả năng tiếp cận tri thức, phục vụ giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư và phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh Nghệ An trong bối cảnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bộ Địa chí Nghệ An đương đại gồm 4 tập sách (10 phần, 76 chương) và số hóa kết quả nghiên cứu của tập sách, với tính mở có thể cập nhật hằng năm theo nội dung tương ứng với các lĩnh vực, mục từ đã được nghiên cứu, biên soạn. Dự kiến Bộ Địa chí Nghệ An đương đại sẽ hoàn tháng 9/2024.

Công trình đã có tính kế thừa, cập nhật các nội dung thông tin đã có nghiên cứu về Nghệ An, đặc biệt là có sự kế thừa và phát triển từ công trình Nghệ An toàn chí, huy động đội ngũ cán bộ nghiên cứu tham gia đông đảo.

Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao thuyết minh Đề án; đồng thời, nêu một số ý kiến liên quan đến thành phần tham gia, một số nội dung liên quan; phần kinh phí xã hội hóa…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu ý kiến

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án Địa chí Nghệ An đương đại có ý nghĩa hết sức quan trọng, có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu khoa học; đồng thời là tài liệu tham khảo quan trọng đối với việc xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bổ sung thêm các thành phần Hội đồng khoa học để xây dựng Đề án.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thống nhất với việc xây dựng Đề án Nghệ An địa chí đương đại. Sau khi hoàn thành Đề án sẽ là một tài liệu khoa học hết sức quan trọng của tỉnh.

Thống nhất cao với tiến độ, kế hoạch xây dựng Đề án, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, trong quá trình xây dựng Đề án cần tận dụng, khai thác các tài liệu đã có. Mặt khác, trong công trình này, tên gọi, thống kê, liệt kê phải đảm bảo chặt chẽ, chính xác. Sau khi hoàn thành, theo chu kỳ 5 năm, công trình “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại” cần được cập nhật, bổ sung thêm.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị bổ sung thêm các thành viên Ban Chủ nhiệm Đề án. Hàng năm, Ban Chủ nhiệm Đề án báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả xây dựng Đề án.

Sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc

Tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về chủ trương ban hành, nội dung dự kiến của Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2205, định hướng đến năm 2030”.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích 13.145km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, dân số trên toàn vùng khoảng 1,2 triệu người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,8% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng. Giai đoạn 2021-2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh gồm 131 xã (76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I), 588 thôn đặc biệt khó khăn.

Thảo luận về nội dung này, ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề cập đến nhiều công tác phát triển vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cần phát huy được nguồn lực, tập trung giải quyết các vấn đề như đất sản xuất, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các đại biểu đánh giá, các chủ trương, chính sách dân tộc rất tốt và có nhiều văn bản, kế hoạch, kết luận triển khai thực hiện, nhưng hiện nay khâu thực hiện còn có những nội dung triển khai chưa thực sự hiệu quả.

Kết luận nội dung này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thống nhất chủ trương ban hành Chỉ thị để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khắc phục những vấn đề còn chưa tốt trong quá trình thực hiện lâu nay. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh tiếp thu các ý kiến, phối hợp với các ban Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nghe và cho ý kiến trước khi ban hành.

Xây dựng huyện Quỳnh Lưu là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An

Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Đồ án quy hoạch, huyện Quỳnh Lưu là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An, cùng với TX Hoàng Mai trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Là vùng phát triển với các chức năng đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch biển và sinh thái, khai thác chế biến thủy hải sản, nông lâm nghiệp…

Quy hoạch định hướng phân thành 3 vùng phát triển không gian, theo hướng vừa kết nối với tổng thể phát triển chung của tỉnh Nghệ An, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn khu vực gồm: Vùng phía Tây (vùng bán sơn địa); vùng trung tâm (vùng đồng bằng), vùng Đông Nam (vùng ven biển).

Tham gia ý kiến về nội dung này, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cao với Đồ án quy hoạch.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến về Chương trình, đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi báo cáo nội dung Đề án

Theo đó, dự thảo Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đó là, cải tiến công tác tổ chức kỳ họp, đổi mới việc xây dựng, ban hành nghị quyết trình kỳ họp; phát huy hiệu quả ngay từ bước đầu xây dựng nghị quyết trình kỳ họp; đổi mới công tác thẩm tra các dự thảo nghị quyết, đổi mới phương thức điều hành kỳ họp ngày càng linh hoạt, hiệu quả.

Đề án cũng tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề; cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn và tiến hành thường xuyên hơn hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, thực hiện tiếp công dân theo quy định như theo dõi việc tiếp công dân của các đại biểu HĐND tỉnh tại đơn vị bầu cử; tiếp nhận, phân loại, xử lý, đôn đốc giải quyết đơn thư của công dân, nhất là xây dựng phần mềm xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân… Thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh,...

Đặc biệt, trọng tâm các giải pháp của Đề án là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào tất cả hoạt động của HĐND tỉnh thông qua quy định sử dụng hệ thống phần mềm tại kỳ họp; cách thức cập nhật cơ sở dữ liệu, khai thác cơ sở dữ liệu cho từng thành phần sử dụng, vận hành hệ thống; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý hoạt động HĐND tỉnh; phát triển các ứng dụng, nền tảng số phục vụ hoạt động HĐND tỉnh…

Về nội dung này, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua Đề án.

Cũng tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về phương án phân bổ kinh phí từ nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP