Trong tỉnh

Ảnh hưởng từ Covid-19, hơn một ngàn ki ốt chợ Vinh tạm đóng cửa

Trong khoảng một tháng qua, 1.024 hộ kinh doanh tại chợ Vinh, thành phố Vinh (Nghệ An) đóng ki ốt ngừng bán hàng. Nguyên nhân được Ban quản lý chợ Vinh và tiểu thương đưa ra là ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến hàng hóa ế ẩm.

Dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp, gián tiếp đến các ngành, lĩnh vực, đồng thời diễn biến phức tạp và chưa dự báo được thời điểm kết thúc, quy mô, phạm vi ảnh hưởng. Tất cả các biện pháp phòng, chống Covid-19 đã được các cấp ngành đồng loạt triển khai. Tại Nghệ An, mặc dù toàn tỉnh đang trong tình huống 1 (chưa có trường hợp nhiễm bệnh) nhưng Covid-19 đã làm cho cuộc sống người dân đảo lộn, lao động sản xuất trì trệ. Học sinh nghỉ học, lễ hội hạn chế, du lịch suy giảm... kéo theo nhiều hệ lụy khác. Đặc biệt, hơn một ngàn hộ kinh doanh tại chợ Vinh, thành phố Vinh (Nghệ An) đóng ki ốt, tạm ngừng bán hàng.

Chợ Vinh vắng khách ngày dịch Covid-19.

Chợ Vinh được biết đến là chợ đầu mối hàng hóa lớn với lịch sử hàng trăm năm thành lập. Quá trình phát triển, chợ Vinh trở thành trung tâm kinh tế, điểm giao thương quan trọng của cả khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, theo số liệu từ Ban Quản lý chợ Vinh cho hay, hiện toàn chợ có 3.416 ki ốt thì 1.024 ki ốt (chiếm 30%) tạm đóng cửa.

Ông Nguyễn Hữu Đắc – Trưởng ban Quản lý chợ Vinh lí giải, nguyên nhân ki ốt tạm đóng cửa nhiều như vậy là do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến số người mua hàng ít, hàng hóa ế ẩm. Những ki ốt này chủ yếu bán quần áo may sẵn, vải, hàng khô, tạp hóa, bia rượu... Ngoài ra, việc siêu thị mọc lên nhiều, bán hàng online lan rộng cũng là nguyên nhân cho các ki ốt trong chợ đóng cửa dài ngày.

Hàng hóa ế ấm, tiểu thương tạm đóng cửa ki ốt.

Khu vực chợ Vinh có 1 đình chính và 2 đình Đông – Tây phụ, đã xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị ngập lụt. Ghi nhận của P/V tại chợ Vinh, ở đình chính chủ yếu bán hàng vải, quần áo may sẵn, hàng tạp hóa, điện tử, điện lạnh và cũng là đình có số ki ốt tạm đóng cửa nhiều nhất. Khách hàng đến mua sắm thưa thớt, các ki ốt đóng cửa xen kẽ. Còn tại đình Đông, chủ yếu tiểu thương bán hàng sắt, thép xây dựng, dụng cụ sản xuất; đình Tây là hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hai đình này, khách hàng đông hơn.

Đến thời điểm hiện tại, 1.024 tiểu thương tạm đóng ki ốt tại chợ Vinh.

Tiểu thương Bùi Thị Nguyệt chia sẻ: “Thường thì sau 15/1 âm lịch, tất cả các ki ốt tại chợ sẽ mở cửa hết, nhưng năm nay, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 làm cho khách ít đi rất nhiều. Hộ kinh doanh đến mở cửa ki ốt cho qua ngày, có thời điểm, tìm một khách đi qua để chào hàng cũng không có, nói gì đến chuyện bán. Nếu kéo dài như thế này thì chúng tôi hết sức nguy khốn, vốn liếng hàng trăm triệu đồng đều dồn để lấy hàng hết rồi”.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới bà con tiểu thương.

Cũng theo Ban Quản lý chợ Vinh, ban đã vận động các hộ kinh doanh quay trở lại mở cửa ki ốt nhưng chưa hiệu quả. Trong khi đó, những lá đơn xin xác nhận tạm ngừng kinh doanh để giảm thuế lại trở nên nhiều hơn. Nói về giải pháp, lãnh đạo Ban Quản lý chợ Vinh thông tin, tạm thời là tuyên truyền vận động nhưng về lâu dài chợ Vinh phải đa dạng hóa mặt hàng, một số mặt bằng dư thừa sẽ đầu tư vào trò chơi giải trí kết hợp với dịch vụ là cách thiết thực nhất để thu hút khách.

Những gian hàng bụi bám vì lâu ngày không mở cửa.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: “Trước ảnh hưởng của Covid-19, thành phố đã có công văn gửi các phường, đơn vị trực thuộc về việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Việc ki ốt ở chợ Vinh đóng cửa nhiều, ngoài nguyên do Covid-19 thì còn do ảnh hưởng từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các ki ốt bia rượu, không tiêu thụ được. UBND thành phố đã giao Phòng Kinh tế tham mưu các giải pháp khả thi kích hoạt phát triển kinh tế, nhất là các hoạt động dịch vụ phố đêm, phố đi bộ, các chợ, siêu thị. Trong đó, chủ động gặp gỡ, tiếp xúc các cơ sở kinh doanh để trao đổi, đề nghị họ đưa ra kiến nghị phù hợp. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương”.

Hai đình phụ Đông - Tây xuống cấp.

“Chi cục Thuế thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giãn thời gian nộp thuế, không phạt chậm nộp thuế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND thành phố Vinh nói thêm.

Tác giả: CẢNH HUỆ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP