Giáo dục

'Nên dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc từ năm 2017'

Theo thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc có vị trí tương đối vững chắc, đặc biệt trong dịch thuật, nên cần phát triển.

Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (viết tắt: Đề án ngoại ngữ 2020). Có hai vấn đề được dư luận quan tâm.

Thứ nhất, Bộ GD&ĐT đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Thứ hai, thí điểm đưa tiếng Trung Quốc, tiếng Nga trở thành ngoại ngữ thứ nhất, bắt đầu dạy từ lớp 3 đến lớp 12 vào năm 2017.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội, chuyên gia tư vấn cho đề án ngoại ngữ 2020, người có 25 năm dạy tiếng Anh trên truyền hình, chia sẻ với Zing.vn xung quanh vấn đề này.

Mỗi quốc gia cần đào tạo nhiều ngôn ngữ

- Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Theo ông, muốn tiến đến mục tiêu này cần những điều kiện gì?

- Theo tôi hiểu về chuyên môn, ngôn ngữ thứ nhất được coi là tiếng mẹ đẻ (viết tắt L1). Ngôn ngữ thứ hai được Nhà nước chấp nhận là ngôn ngữ chính thống dùng trong hành chính, giáo dục và quan hệ quốc tế (viết tắt L2). Ví dụ, Ấn độ, Singapore, Philippines đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng trò chuyện với học sinh, giáo viên về cách học tiếng Anh hiệu quả. Ảnh: Quyên Quyên.


Để trở thành ngôn ngữ thứ hai, tiếng Anh phải được sử dụng trong môi trường tự nhiên: Trong nhà trường, ngoài xã hội phục vụ nhu cầu giao tiếp, giáo dục (phương tiện giảng dạy trong nhà trường) và quan hệ quốc tế.

Nói cách khác, ngôn ngữ 2 được dùng rộng rãi trong các chức năng giáo dục và hành chính ở khu vực mà hầu hết người nói không phải là bản ngữ. Ngôn ngữ thứ hai phải được sử dụng trong giáo dục thông qua chương trình giảng dạy môn học, cũng như được Nhà nước quy định trong chính sách.

- Bộ GD&ĐT cũng chủ trương đưa tiếng Nga, tiếng Trung Quốc trở thành ngoại ngữ thứ nhất. Sự khác nhau của các khái niệm ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ thứ nhất, ngoại ngữ thứ hai như thế nào?

- Ngoài tiếng mẹ đẻ, mỗi quốc gia đều cần có ngoại ngữ - tiếng quốc tế - sử dụng để giao tiếp và hội nhập. Ngoại ngữ, tuy được quy định trong nhà trường như một môn học, không phải là ngôn ngữ chính thống của một đất nước.

Mỗi quốc gia không thể chỉ có một ngoại ngữ. Vì vậy, tùy chính sách của Nhà nước, một quốc gia có thể có nhiều ngoại ngữ. Cũng tùy tầm quan trọng, sự cần thiết, ngoại ngữ nào được quy định là thứ nhất hoặc thứ hai.

- Trong lộ trình thực hiện đề án ngoại ngữ đến năm 2020, Bộ GD&ĐT chia thành ngoại ngữ thứ nhất (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc), ngoại ngữ thứ hai (tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức). Điều này có hợp lý?

- Trong thời bao cấp, tiếng Nga là ngoại ngữ thứ nhất, tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ hai. Cũng có một thời kỳ nước ta không học tiếng Anh và tiếng Pháp. Tuy nhiên, theo xu thế hội nhập, ngày nay, tiếng Anh phát triển mạnh mẽ, trở thành ngoại ngữ thứ nhất.

Thời đại ngày nay, việc phân bổ ngoại ngữ thứ nhất hay thứ hai phụ thuộc chính sách ngôn ngữ của Bộ GD&ĐT.

Tôi cho rằng, ở nước ta, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc cần đưa lên vị trí xứng đáng. Bởi trong mấy chục năm qua, hệ thống cán bộ khoa học chủ yếu được đào tạo ở Nga và Trung Quốc.

Trong nhiều năm, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc có vị trí tương đối vững chắc, đặc biệt trong lĩnh vực dịch thuật, chúng ta nên phát triển. Hơn nữa, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc có vị trí không nhỏ trên trường quốc tế.

- Cũng có ý kiến cho rằng tại sao chúng ta không chú tâm đào tạo tốt tiếng Anh thay vì thí điểm nhiều ngoại ngữ khác?

- Một xã hội phát triển về chiến lược cần đào tạo nhiều thứ tiếng. Tôi cho rằng Việt Nam cần ít nhất 4 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Pháp. Việc lựa chọn học và sử dụng do nhu cầu xã hội quyết định và điều chỉnh.

Mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 2020 chưa khả thi

- Trở lại đề án đến năm 2020, sau 8 năm thực hiện, ông đánh giá đề án đang ở vị trí nào?

- Đề án 2020 đã đặt ra mục tiêu quá cao, chưa tính được tính khả thi. Tuy nhiên, đề án đã thực hiện được nhiều việc lớn như huấn luyện giáo viên (dù chưa rộng khắp vì số lượng giáo viên quá lớn), công bố chính thức bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, công nghệ hóa quy trình đào tạo ở những nơi có điều kiện, hoàn thiện chương trình ngoại ngữ từ lớp 3 đến lớp 12.

- Với mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, Bộ GD&ĐT cần bao nhiêu thời gian để thực hiện?

- Tôi không thể trả lời được câu hỏi này. Chúng ta chỉ có thể nói rằng việc đưa tiếng Anh ở nước ta từ nền tảng thấp trong giáo dục (kết quả thi phổ thông rất kém) thành ngôn ngữ thứ hai sẽ gian truân và đòi hỏi thời gian dài.

Theo Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học đủ năng lực ngoại ngữ để giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

Tác giả bài viết: Quyên Quyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP