Giáo dục

3,5 điểm/môn vẫn đỗ lớp 10 công lập Tp.HCM, lãnh đạo Sở GD&ĐT nói gì?

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM đã có những trao đổi với báo chí xung quanh việc thí sinh đạt dưới 4 điểm/môn vẫn đỗ lớp 10 một số trường.

Ngày 11/7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.HCM đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí bên lề buổi họp công bố điểm chuẩn lớp 10.

Theo ông Hiếu, điểm thi vào lớp 10 năm 2020 là 50 điểm trong đó Văn, Toán nhân hệ số 2. Năm nay, cả 3 môn tính theo hệ số 1. Nhìn qua có vẻ mức điểm năm nay khá thấp nhưng khi so sánh mức điểm giữa hai năm thì không có sự biến động nhiều, tương đương nhau.

“Năm nay có 9 trường THPT lấy điểm chuẩn 10,5 điểm, bình quân 3,5 điểm/ môn. Năm 2020 cũng có chừng đó trường, điểm chuẩn 16 điểm (Toán, Văn nhân hệ số 2) tức là chỉ 3,2 điểm/ môn. Điểm cao nhất năm 2020 của trường THPT Nguyễn Thượng Hiền là 41 điểm (Toán, Văn nhân hệ số 2) thì năm nay trường này cũng có điểm chuẩn cao nhất là 24,25 điểm”, ông Hiếu nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết thêm, năm 2021, Tp.HCM tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, còn năm 2020 là năm tuyển sinh lớp 10 gần nhất bằng thi tuyển. So sánh điểm giữa năm 2020 và 2022 có thể thấy điểm trung bình của 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ khá tương đồng. Trong đó, điểm trên trung bình môn Văn giảm từ 93% điểm xuống còn 89% so với năm 2020 nhưng Toán và Ngoại ngữ lại có điểm trên trung bình cao hơn so với 2020.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM, khi xác định chỉ tiêu cho các trường, Sở có trừ hao và dự phòng. Đối với các trường khó tuyển, Sở đã nâng chỉ tiêu cao hơn so với các năm trước. Một số trường khuyết chỉ tiêu nhưng đều nằm trong dự tính. Hiện nay với điểm chuẩn vừa công bố, các trường đã tuyển được 96,8% tổng số học sinh theo chỉ tiêu.

“Sở GD&ĐT Tp.HCM không có chủ trương hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung vào các trường. Mức điểm chuẩn vừa công bố phù hợp và sát với các trường, vì thế sẽ rất khó khăn khi hạ điểm chuẩn để xét bổ sung. Hơn nữa, việc hạ điểm chuẩn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tuyển sinh. Hạ điểm chuẩn một trường sẽ liên quan đến rất nhiều trường, ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh”, ông Hiếu khẳng định.

Đối với những học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập, ông Hiếu khuyên có thể chọn môi trường giáo dục thường xuyên hay các trường ngoài công lập phù hợp hoặc các trường trung cấp nghề.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT Tp.HCM cho hay, năm học 2021-2022 vừa qua là một năm học hết sức khó khăn đối với cả nước, trong đó có Tp.HCM. Thời điểm bắt đầu năm học, Tp.HCM phải dạy và học trên môi trường Internet và gặp không ít khó khăn do có nhiều yếu tố chi phối.

Với các học sinh lớp 9, Tp.HCM đã chủ động trong việc chỉ đạo dạy học, kiểm tra đánh giá cũng như ra đề tuyển sinh vào lớp 10. Đề thi năm nay vừa sức, phù hợp với tình hình dạy và học trên môi trường Internet.

Thống kê từ điểm chuẩn do Sở GD&ĐT Tp.HCM công bố cho thấy, năm nay 27 trường lấy điểm chuẩn từ 20 trở lên (trung bình thí sinh cần đạt từ 7 điểm/môn trở lên). Đa số trường nằm trong nhóm top trên hằng năm, gồm: Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Huân, Gia Định, Trần Phú, Bùi Thị Xuân, Mạc Đĩnh Chi, Trung học Thực hành Đại học Sư phạm Tp.HCM, Nguyễn Du, Trần Khai Nguyên.

Mức điểm chuẩn từ 15 đến dưới 20 ghi nhận 29 trường (trung bình thí sinh cần đạt 5 - 6,6 điểm/môn): Thủ Đức, Nguyễn Hiền, Lê Trọng Tấn, Lý Thường Kiệt, Ten Lơ Man, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Bình...

Tiếp đến, 44 trường lấy điểm chuẩn dưới 15 (trung bình mỗi môn dưới 5 điểm). Trong số này, 10 trường lấy điểm chuẩn 11-12 gồm: THPT Lương Văn Can, Long Trường, Đào Sơn Tây, Bình Chánh, Tân Túc, Năng khiếu Thể dục thể thao Bình Chánh, Quang Trung, Phú Hòa, Phước Kiển. 10 trường khác điểm chuẩn 10,5 (trung bình 3,5 điểm/môn) gồm: Nguyễn Văn Linh, Phong Phú, Đa Phước, Thạnh An, Bình Khánh, Cần Thạnh, An Nghĩa, An Nhơn Tây, Trung Lập.

Tác giả: Minh Hoa

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP