Nhà xe Anh Thắng bắt khách trên tuyến đường Vinh - Cửa Hội, đoạn chợ Mai Trang (xã Nghi Xuân, Nghi Lộc). Ảnh: Văn Trường |
Nhan nhản xe hợp đồng chạy trái phép
Tại huyện Con Cuông hiện có gần 10 chiếc xe Ford loại 16 chỗ ngồi mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng “đội lốt” chạy tuyến cố định (Vinh - Con Cuông). Chúng tôi lên xe của nhà xe Nga Tính, BKS 37B - 001.17 ngay tại thị trấn Con Cuông để xuống TP. Vinh. Dọc đường đi, xe này bắt khách vô tội vạ, sẵn sàng phóng nhanh vượt ẩu để tranh giành khách.
Theo quan sát, tại địa bàn TP. Vinh lưu thông rất nhiều loại xe 16 chỗ từ các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Tân Kỳ… do Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cấp phù hiệu hợp đồng và quản lý. Loại xe này thường luồn lách các đường nội thành phố Vinh để trả khách, đón khách sai quy định, gây nhiều hệ lụy như mất an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Hiện nay, xuất hiện cả xe giường nằm cũng “đội lốt” xe hợp đồng chạy tuyến cố định.
Đơn cử như nhà xe Anh Thắng (Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thương mại và Du lịch Anh Thắng) hiện có 7 xe giường nằm không có tuyến, lốt ở Nghệ An, chỉ mang phù hiệu hợp đồng thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp và quản lý nhưng lại ngang nhiên chạy tuyến cố định Vinh - Cửa Lò, Vinh - Hà Nội. Nhà xe này còn công khai mở văn phòng trên tuyến đường Vinh - Cửa Hội, đoạn chợ Mai Trang (xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc).
Tại các huyện dọc Quốc lộ 7A như các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông… xuất hiện khá nhiều xe giường nằm mang phù hiệu hợp đồng do Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương nhưng lại chạy tuyến cố định đón trả khách sai quy định.
Nhiều chủ xe tại Bến xe Vinh bức xúc cho rằng: Xe tuyến cố định phải chấp hành mọi quy định của Nhà nước về đăng ký luồng tuyến, hành trình vận tải, giờ xe xuất bến; phải nộp 10% thuế VAT, nộp đủ các loại phí bến bãi, phí dịch vụ và nộp bảo hiểm cho hành khách công khai trên vé xe.
Còn xe khách trá hình không nộp thuế giá trị gia tăng; không mất lệ phí bến bãi; không mua bảo hiểm cho hành khách. Hành vi đó thể hiện rõ sự cạnh tranh không lành mạnh.
Bảng ghi giờ xuất bến và các điểm đi và đến của nhà xe. Ảnh: Văn Trường |
Thiếu kiên quyết trong xử lý xe khách trá hình?
Tìm hiểu thêm được biết: Nguyên nhân bùng phát vấn nạn nêu trên, trước hết là do yêu cầu đối với xe hợp đồng, xe du lịch khi vận chuyển hành khách còn quá đơn giản, tạo kẽ hở cho chủ xe lách luật. Xe hợp đồng, xe du lịch tham gia vận tải hành khách chỉ cần hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo mẫu quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT là đủ điều kiện lên đường. Quy định như vậy thì xe hợp đồng, xe du lịch dễ núp bóng xe khách cố định, tùy tiện bắt khách dọc đường; sau đó, lái xe, phụ xe mới lập danh sách hành khách đối phó cơ quan chức năng khi kiểm tra.
Do vậy, trong thời gian qua, nhiều đơn vị dịch vụ vận tải hành khách lợi dụng cơ quan chức năng buông lỏng công tác quản lý, lơ là tuần tra kiểm soát, đua nhau đưa xe hợp đồng, xe du lịch vào khai thác tuyến cố định tại Nghệ An để kiếm lời.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Nghệ An, các doanh nghiệp vận tải phải đăng ký điều kiện hợp đồng đầy đủ theo quy định. Sở sẽ cho kiểm tra, nếu phát hiện xe hợp đồng nhưng lại chạy tuyến cố định sẽ thu hồi phù hiệu hợp đồng.
Nhà xe Anh Thắng bán vé trái quy định cho khách hàng. Ảnh: Văn Trường |
Hoạt động của các loại xe hợp đồng đội lốt cố định trên địa bàn tỉnh lộn xộn, bán vé trái quy định, vòng vo đón, bắt khách, ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Hành vi lợi dụng, biến xe hợp đồng thành xe khách trá hình của một số đơn vị kinh doanh vận tải còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách trong trường hợp xe khách trá hình, “xe dù” nếu gặp sự cố tai nạn giao thông./.
Tác giả: Văn Trường
Nguồn tin: Báo VnExpress