Tại phường Hưng Dũng, một trong những địa phương nội thành Vinh đến thời điểm này đã tiêu hủy 90 con lợn nhiễm bệnh DTLCP với tổng trọng lượng trên 3,5 tấn. Tuy nhiên, việc tìm được nơi chôn lợn vừa đảm bảo xa khu dân cư, vừa đảm bảo mặt bằng cao, không gần khu vực mương nước là việc rất khó khăn.
Xã Ngọc Sơn tiêu hủy lợn trong khu vực trồng rừng của dân |
Ông Nguyễn Phúc Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng, cho biết: Đối với những gia trại có lợn dịch, chúng tôi tiến hành tiêu hủy tại chỗ để vừa tránh dịch bệnh lây lan, vừa tiết kiệm được quỹ đất. Đối với số lợn chết nhỏ lẻ tại các hộ dân, chúng tôi phải di chuyển ra nghĩa trang của phường để tiêu hủy. Nếu thời gian tới dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng lợn chết tăng lên thì việc xác định địa điểm tiêu hủy lợn sẽ gặp khó, nhất là trong điều kiện quỹ đất eo hẹp của thành phố.
Còn theo ông Hồ Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Bình, đặc thù là phường trung tâm của thành phố nên việc chôn lấp lợn trên địa bàn phường là điều không thể vì không thể tìm được quỹ đất và nếu có chôn lấp cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường dân cư. Chúng tôi phải nhờ xã Nghi Liên (địa phương đang có dịch) để chôn nhờ lấp lợn tại khu đất xã Nghi Liên tổ chức tiêu hủy lợn.
Hiện DTLCP đã bao trùm TP.Vinh, với 16/25 phường xã có dịch. Việc lợn chết do nhiễm dịch ngày càng nhiều đã làm các địa phương lúng túng trong việc chọn địa điểm chôn lợn, nhất là tại các phường xã nội thành, trung tâm. Còn với các xã ngoại thành, quỹ đất cũng sẽ dần eo hẹp nếu thời gian tới dịch tiếp tục lây lan mạnh.
Không chỉ có địa bàn thành phố Vinh, mà ngay cả các địa bàn nông thôn cũng rất khó tìm vị trí để chôn cất lợn chết do nhiễm bệnh. Xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) là địa phương không những "nóng" về số lượng lợn nhiễm dịch nhiều nhất huyện mà còn rất "bế" về vị trí tiêu hủy lợn.
Ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã giao cho người dân quản lý, sử dụng, không còn quỹ đất để chôn lấp lợn. Bởi vậy, 330 con lợn của người dân trên địa bàn xã đã nhiễm dịch trong thời gian qua. Xã phải tiêu hủy tại các khu vực nghĩa địa của các xóm. Có những xóm, do khu vực nghĩa địa hẹp, phải mang lợn tiêu hủy trong các khu rừng tràm.
DTLCP sẽ còn diễn biến phức tạp, do vậy, nhiều xã sẽ lâm vào cảnh không còn đất để tiêu hủy lợn. Do vậy, theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, cho rằng, UBND cấp huyện cần có giải pháp trong vấn đề đất đai để những địa phương không còn quỹ đất có vị trí tiêu hủy lợn phù hợp.
Xác lợn chết bừa bãi, ngang nhiên bán thịt lợn trong vùng dịch
Vận chuyển lợn ra vào vùng dịch, vứt xác lợn chết bừa bãi, bán thịt lợn tràn lan tại các điểm dịch... là những việc làm thiếu ý thức của người dân, khiến DTLCP lây lan nhanh chóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngày 22/10, tại cầu Hiếu I, thị xã Thái Hòa, người dân đã phát hiện có 1 bì tải bị vứt trên cầu. Nghi ngờ là rác thải, người dân đã mở ra xem thì phát hiện bên trong chứa 1 xác lợn chết khoảng 30 kg. Người dân đã lập tức báo cho chính quyền địa phương.
Sau khi nhận tin báo, cán bộ thú y thị xã Thái Hòa và chính quyền 2 đơn vị phường Hòa Hiếu và Quang Tiến đã có mặt kịp thời tại hiện trường để tiến hành phun hóa chất khử trùng và tiến hành tiêu hủy con lợn.
Trước đó, trên địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành cũng xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn chết ở các con sông. Cụ thể, vào ngày 8/10, người dân xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) đã phát hiện một số xác lợn chết nổi lềnh bềnh trôi trên sông Đào. Tại huyện Yên Thành, ngày 5/10 cũng có tình trạng lợn chết trôi sông tại khu vực cầu Cây Phượng, xã Lăng Thành khiến người dân vô cùng lo lắng.
Mặc dù chính quyền các địa phương đã thu gom xác lợn chết tại các con sông để bảo vệ nguồn nước tránh ô nhiễm và ngăn ngừa sự lây lan dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, việc vứt xác lợn bừa bãi đã phản ánh ý thức kém của một bộ phận người dân, khiến dịch lây lan nhanh chóng.
Người dân vẫn bày bán thịt lợn tại địa bàn có dịch TLCP |
Không những vứt lợn chết bừa bãi, một số đối tượng con nganh nhiên vận chuyển lợn bệnh đến vùng có bệnh. Chiều tối 22/10, tại chốt trực dịch tả lợn châu Phi ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, lực lượng chức năng trong quá trình làm việc phát hiện 2 xe chở lợn từ miền xuôi lên miền núi để tiêu thụ.
Điều đáng nói, tại thị trấn Con Cuông hiện đã có dịch tả lợn châu Phi, việc vận chuyển lợn ra vào vùng có dịch là điều cấm kỵ. Bên cạnh đó, tại thời điểm phát hiện, bắt giữa 2 xe nói trên thì lợn trên xe đều trong tình trạng sức khỏe yếu, có con sắp chết.
Con Cuông bắt giữ xe vận chuyển lợn có dịch tiêu thụ trên địa bàn |
Hiện nay, DTLCP đã lan ra khắp tỉnh, tuy nhiên, việc buôn bán thịt lợn tràn lan, không có nguồn gốc xuất xứ vẫn chưa được kiểm tra, xử lý triệt để. Trong điều kiện giá thịt lợn đang lên cao, nhiều người dân vì cái lợi trước mắt đã lén lút bán trộm thịt lợn dù địa phương đang xảy ra dịch.
Tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, mặc dù đang có dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên người dân tại xóm 4, xóm 5 vẫn ngang nhiên bán thịt lợn. Khi được hỏi lý do vì sao lại bán thịt lợn trong lúc địa phương đang có dịch, người bán lợn bình thản đáp: "Tôi thấy người ta bán thì tôi cũng bán thôi...".
Tại TP Vinh, tình trạng bán thịt lợn tại vỉa hè, lòng, lề đường vẫn có thể dễ dàng bắt gặp tại các tuyến phố dù hiện nay đây vẫn là một trong những điểm nóng nhất về dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh với tốc độ lây lan nhanh, phức tạp.
Các tuyến đường như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Trung Ngạn, Hàm Nghi, Nguyễn Du... tình trạng bán thịt lợn trên vỉa hè, lòng, lề đường vẫn xảy ra nhưng không bị xử lý triệt để. Tuy nhiên, trước khi chờ lực lượng chức năng vào cuộc thì người dân, tiểu thương cần phải tự ý thức không buôn bán lợn không rõ nguồn gốc trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp.
Tác giả: Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn