Hoạt động của Trung tâm đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết TTHC
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh, trong năm 2022 và quý I/2023, hoạt động của động của Trung tâm đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết TTHC của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp cũng như góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, bố trí các bộ phận hỗ trợ tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu đề ra. (Ảnh st) |
UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hoạt động của Trung tâm. Nổi bật là sự chủ động, quyết liệt trong tham mưu xử lý, giám sát việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân của Trung tâm và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các Sở, ban, ngành trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được đầu tư đồng bộ, hiện đại, bố trí các bộ phận hỗ trợ tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu đề ra.
Trung tâm đã chủ động nhiều giải pháp như: Bố trí sắp xếp lại khu vực xếp hàng lấy số, nâng cấp phần mềm lấy số bằng hình ảnh, khu vực hỗ trợ thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, xây dựng video hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến. Mặt khác, Trung tâm còn phối hợp với Tỉnh đoàn, các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông bố trí cán bộ hỗ trợ người dân cập nhật thông tin thuê bao, khai báo và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến.
Hoạt động trả kết quả tập trung được triển khai có hiệu quả. Thông qua công tác trả kết quả để nắm tình hình, chất lượng giải quyết hồ sơ của các đơn vị, đánh giá được công tác phối hợp giữa các đơn vị và Trung tâm. Hoạt động thu phí, lệ phí giải quyết TTHC thông qua dịch vụ của Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Nghệ An dưới hình thức thu hộ được triển khai tập trung.
Ngoài ra, công tác truyền thông luôn được Trung tâm chú trọng; đã triển khai thay đổi bộ nhận diện thương hiệu theo đúng yêu cầu; việc niêm yết, công khai TTHC, nội dung địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị được thực hiện nghiêm túc và giải quyết kịp thời.
Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại Trung tâm có thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu giao dịch
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập Trung tâm cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, các Sở, ban, ngành còn thiếu chủ động, chưa tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các giải pháp để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; thiếu giải pháp nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm. Một số nghiệp vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC chưa đảm bảo, như: Thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh chưa đúng quy định; việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC chưa kịp thời, chưa đầy đủ; chưa thực hiện chữ ký số; tỷ lệ hồ sơ yêu cầu bổ sung hoặc do tổ chức, cá nhân yêu cầu rút còn nhiều; tỷ lệ hồ sơ quá hạn còn cao, không có Phiếu xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC quá hạn hoặc Phiếu xin lỗi chưa đúng yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ…
Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại Trung tâm có thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu giao dịch của người dân, doanh nghiệp, còn tình trạng quá tải, ùn tắc cục bộ ở một số quầy.
Mặt khác, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh có nhiều chức năng, tính năng chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật và nhu cầu sử dụng, tốc độ truy cập thường xuyên chậm, ảnh hưởng tới công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Việc kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với các Hệ thống của các Bộ, ngành chưa được hoàn thành dẫn đến công tác giải quyết, theo dõi, quản lý, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, thống kê và báo cáo gặp nhiều khó khăn (hệ thống phần mềm cấp phiếu lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp; Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ thống dịch vụ công trực tuyến và quản lý cấp giấy phép lái xe của Bộ Giao thông vận tải cung cấp). Ngoài ra, còn tình trạng mất trật tự trước cổng Trung tâm…
Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp nhận, giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của Trung tâm và khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Trung tâm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC đối với các TTHC có tần suất phát sinh lớn.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động giám sát, theo dõi, đánh giá, tham mưu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp nhận, giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành.
Trung tâm cần nghiên cứu đổi mới cách thức truyền thông trong hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, giải quyết TTHC, nhất là các giải pháp để giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến thuận lợi, tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến.
Trung tâm chủ trì tổ chức làm việc với VNPT Nghệ An, Cổng thông tin điện tử Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở ban ngành, đơn vị liên quan để tham mưu các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và thực hiện kết nối, chia sẻ, tích hợp và đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành.
Các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan cần chủ động tham mưu UBND tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh các giải pháp để cải cách TTHC, như: Công bố kịp thời TTHC, tham mưu các giải pháp để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; tiếp tục rà soát, lựa chọn cán bộ, công chức đến làm việc tại Trung tâm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng; rà soát lập danh mục TTHC đủ điều kiện (thời gian giải quyết ngắn, tần suất giao dịch nhiều) thực hiện TTHC “4 tại chỗ” tại Trung tâm đối với các TTHC; chủ động nghiên cứu giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến.
Thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; thực hiện nghiêm số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đảm bảo tỷ lệ 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết.
Các Sở, ngành cần đẩy mạnh hoạt động tự kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các phòng, đơn vị chuyên môn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh việc tiếp nhận và giải quyết TTHC không đúng quy định. Không được thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết, trực tiếp giao dịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không thông qua Trung tâm.
Ngoài ra, các Sở, ban, ngành phải thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi có hồ sơ TTHC bị quá hạn. Theo đó, lãnh đạo Sở, ban, ngành phải ký văn bản xin lỗi và trong thời hạn chậm nhất 01 ngày trước ngày hết hạn, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho Trung tâm và gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân, trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời gian đề nghị gia hạn trả kết quả theo mẫu Phiếu đề nghị gia hạn thời gian giải quyết, đồng thời cán bộ, công chức giải quyết TTHC chủ động thông báo tình trạng hồ sơ thông qua chức năng nhắn tin được cung cấp trên hệ thống điện tử. Việc hẹn lại ngày trả kết quả được thực hiện không quá một lần. Tránh tình trạng hồ sơ quá hạn còn nhiều, nhưng việc xin lỗi thiếu nghiêm túc, không đúng quy định và hẹn trả kết quả nhiều lần.
UBND tỉnh giao các Sở: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Cổng thông tin điện tử tỉnh), Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương kết nối, tích hợp, chia sẻ với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống của Bộ, ngành theo đúng quy định...
Tác giả: PQ (tổng hợp)
Nguồn tin: nghean.gov.vn