Thế giới

Bất ngờ với "khách sạn chờ chết" ở Ấn Độ

Điều đặc biệt là chỉ khi bạn sắp chết thì mới được ở khách sạn này.

Người dân Ấn Độ theo đạo Hindu có tập tục muốn được hỏa táng bên sống Hằng khi chết. Sau đó, tro cốt của họ sẽ được thả xuống sông với hy vọng được đầu thai vào kiếp sau. Chính vì vậy, những khách sạn mọc lên phục vụ đối tượng khách sắp lìa đời ngày càng nhiều.

Bà Parvati Devi 85 tuổi đã đi một quãng đường rất xa tới Kashi. "Mẹ tôi không mắc bệnh gì cả. Mong ước của mẹ là được ra đi ở Kashi" - Singh, con của bà chia sẻ. Singh và mẹ đã vượt 650km để tới được Kashi.

Một căn phòng bên trong khách sạn chờ chết. Ảnh: Dilip Kumar

Khách sạn Mukti Bhawan được dùng để phục vụ những người tới đây chờ chết. Điều kiện để đặt phòng trước là người đó phải sắp chết. Theo quản lý khách sạn, ông Hari Shukla, hầu hết những người tới đây được thuê phòng trong 2 tuần. Nếu sau hai tuần họ vẫn còn sức khỏe thì buộc phải nhường phòng cho người khác. Tuy nhiên nếu họ ốm thập tử nhất sinh, họ sẽ được gia hạn thêm thời gian.

Ông Hari Shukla cho rằng được trút những hơi thở cuối cùng ở Kashi là một vinh dự. Trong suốt 60 năm qua, khách sạn đã phục vụ 14,855 vị khách.

"Có hai loại người đến với khách sạn của chúng tôi. Một là người khỏe mạnh nhưng muốn về sau được ra đi tại Kashi. Vì vậy họ sống ở đây hàng năm. Hai là người chỉ tới đây khi đã sắp lìa đời. Người theo đạo Hindu tin rằng nếu trút hơi thở cuối cùng ở Kashi thì sẽ được đầu thai vào kiếp sau" - ông Shukla chia sẻ.

Lễ hỏa táng tại Kashi. Ảnh: AFP

Giá phòng một ngày ở đây là 30 USD. Chi phí này đã bao gồm tiền điện. Mỗi phòng có một chiếc bếp để nấu ăn. Mỗi khách được đi kèm theo hai người thân. Những người tới đây thuê phòng đến từ nhiều hoàn cảnh và ở nhiều nơi trên đất nước.

Kashi là một trong những thành phố linh thiêng nhất của đạo Hindu. Nơi đây thu hút những tín độ ngoan đạo ở khắp Ấn Độ. Chính tại ngoại thành Kashi, Phật Tổ Như Lai đã thuyết trình bài giảng đầu tiên của mình vào thế kỷ 6 TCN. Đây cũng là nơi nhiều nhà văn sáng tác lên những tác phẩm để đời.

Tác giả: Minh Hạnh

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP