Kinh tế

VNDIRECT công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tình hình thương mại tháng 10/2019

Ngày 22/11, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT vừa phát hành Báo cáo “Cập nhật kinh tế vĩ mô - Tình hình thương mại tháng 10/2019”.

Thặng dư thương mại trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt mức kỷ lục 8,7 tỷ USD

Thặng dư thương mại của Việt Nam tăng lên mức 1,86 tỷ USD vào tháng 10/2019 do tăng trưởng nhập khẩu yếu đi 2,9% so với cùng kỳ (so với mức tăng 11,8% trong tháng 9). Xuất khẩu chậm lại và đạt mức tăng trưởng 7,6% so với cùng kỳ (so với 10,7% trong tháng 9). Trong 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu tăng 8,3% so với cùng kỳ vượt tăng trưởng nhập khẩu 7,7% yoy. Điều này khiến cho thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục là 8,7 tỷ USD, cao hơn mức 8,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2018.

Tăng trưởng xuất khẩu được thúc đẩy bởi khu vực trong nước

Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước tương đối mạnh mẽ trong 10 tháng đầu năm 2019, đạt mức 16,8% so với cùng kỳ và cao hơn nhiều so với tăng tưởng của khu vực FDI ở mức 4,8% so với cùng kỳ. Nếu không tính các sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng xuất khẩu trọng yếu khác của khu vực trong nước (bao gồm dệt may, giày dép, túi xách và các sản phẩm gỗ) đều đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong 10 tháng đầu năm 2019. Mặc dù mặt hàng điện tử chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu của khu vực trong nước (xấp xỉ 7,9% trong 10T2019), các doanh nghiệp điện tử trong nước ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng ở mức 404,0% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do chiến tranh thương mại.

Tình hình tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu theo nhóm hàng

Chênh lệch thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc về xuất khẩu điện tử

Trong 10 tháng đầu năm 2019, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ (50,3 tỷ USD) và Trung Quốc (33,0 tỷ USD). Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 27,6% yoy trong 10T19 trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,4% yoy. Xuất khẩu nông nghiệp suy giảm đáng kể ở cả hai thị trường, đặc biệt là mặt hàng gạo, cà phê và các sản phẩm điều. Xuất khẩu dệt may, túi xách và giày dép duy trì tăng trưởng 10-11% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu các sản phẩm điện tử sang Trung Quốc giảm 6,8% so với cùng kỳ nhưng xuất khẩu hàng điện tử sang Mỹ tăng cao với mức tăng 76,7% so với cùng kỳ.

Cán cân thanh toán của Việt Nam cải thiện

VNDIRECT cho rằng thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục, cùng với dòng kiều hối tốt và dòng vốn FDI được duy trì góp phần cải thiện cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm nay. Điều này giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối lên xấp xỉ 73 tỷ USD, tương đương khoảng 3,3 tháng nhập khẩu trong tháng 10/2019. Ngoài ra, cán cân thanh toán cải thiện còn hỗ trợ cho việc ổn định của tỷ giá USD/VND và chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN. Vào ngày 18/11, NHNN giảm 50 điểm cơ bản mức trần lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn ngắn và lãi suất cho vay đối với các ngành ưu tiên. Cùng với đợt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản vào tháng 9/2019, động thái gần đây nhất của NHNN cho thấy nỗ lực tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Dù vậy tăng trưởng tín dụng đang có nguy cơ thấp hơn mục tiêu 14,0% trong năm 2019.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP