Xã hội

Trạm phó y tế phường bật khóc kể về áp lực tiếp gần 2.000 người/ngày xác nhận F0

Một ngày tiếp gần 2.000 người xin giấy xác nhận F0 khỏi bệnh khiến chị Yến và cán bộ, nhân viên Trạm Y tế Hoàng Liệt (Hà Nội) ngủ không đủ giấc, cơm không kịp ăn.

Gần đến giờ nghỉ trưa, nhưng bên ngoài Trạm y tế phường Hoàng Liệt vẫn còn khoảng 10 người xếp hàng chờ đến lượt. Một số người sốt sắng, cố chen chân lên phía trên, thấy vậy nhân viên y tế lại nhắc nhở người dân đứng đúng vị trí, đảm bảo giãn cách.

Phía trong trạm, chị Nguyễn Thị Yến (48 tuổi) - Trạm phó Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hai tai nghe hai điện thoại hướng dẫn các thủ tục hành chính cho công dân. Cuộc điện thoại này vừa dứt lại có cuộc điện thoại khác đến.

Hiếm hoi lắm, mới có thể xin phép chị để trò chuyện một lúc. Người phụ nữ 48 tuổi cởi bộ đồ bảo hộ kín mít, để lộ hai đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. "Chị cần thông tin gì, nói nhanh vì tôi bận quá, không có nhiều thời gian”, chị Yến nói.

Những ngày "đầu tắt mặt tối"

Trở về nhà lúc 23h đêm, chị Yến uể oải, cố gắng bước đi nhẹ nhất vào nhà để chồng con không bị thức giấc. Mâm cơm trên bàn bày sẵn toàn những món chị thích, nhưng đã nguội lạnh. Chị bưng bát cơm lên rồi đặt xuống. “Bụng đói nhưng không muốn ăn", chị nói. 26 năm làm nghề chưa bao giờ chị cảm thấy áp lực mệt mỏi như giai đoạn này.

Hơn hai tuần nay, chị Yến chưa được ăn bữa cơm nào cùng gia đình. Chị dậy từ 6h sáng và trở về nhà khi mọi người đã say giấc. Tối ngủ, chị luôn trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi.

Chị Yến bật khóc khi kể về áp lực mình phải đối mặt trong dịch COVID-19.

Thời gian gần đây, mỗi ngày Trạm y tế phường Hoàng Liệt tiếp nhận hơn 1.000 người xin dấu xác nhận F0 hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Ngày cao điểm 3/3, trạm y tế tiếp 1.721 người, 11 nhân viên y tế tại trạm phải thay phiên nhau túc trực.

Cường độ làm việc cao, điều kiện ăn ở thiếu thốn, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, nhưng nhìn dòng người đang cầm giấy xếp hàng, sốt sắng mong đến lượt mình thì mọi cán bộ y tế đều tự nhủ phải nỗ lực làm việc hết mình vì người bệnh.

Thường xuyên tiếp xúc với F0, 3 nhân viên y tế trạm bị nhiễm COVID-19 phải chuyển lên tầng trên cách ly. Trong thời gian cách ly điều trị họ vẫn làm việc online hỗ trợ.

Nói về áp lực trong thời gian qua, chị Yến nghẹn ngào chia sẻ: “Có lúc tôi phải nghe hai tai hai điện thoại. Tôi và những nhân viên y tế trong trạm, trong cả đợt dịch COVID-19 vừa qua, hầu như không có chuyện chỉ làm giờ hành chính. Người ít thì giảm 1 - 2kg, người nhiều phải giảm đến 3 - 4kg".

Thương vợ làm việc sớm hôm người xanh xao, gày gò ốm yếu, chồng chị khuyên nghỉ việc, nhưng vì yêu nghề chị vẫn ngày đêm tiếp tục cống hiến.

Nghề y là nghề "làm dâu trăm họ", thi thoảng chị và các đồng nghiệp lại gặp phải những người khó tính. Số người đến trạm thì đông, ai cũng mong đến lượt mình, có người lịch sự nhã nhặn chờ đợi, nhưng cũng có người nổi nóng, mắng chửi cả nhân viên y tế. "Những lúc như vậy tôi lại phải động viên anh chị em cố gắng, nhẫn nhịn", chị Yến nói.

Người dân mắc COVID-19 tới Trạm Y tế phường Hoàng Liệt để xin giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.

Chăm người ngoài nhưng không chăm được người nhà

Phía trong trạm, chị Nguyễn Thị Thùy (SN 1984, quê Thanh Hoá) cũng đang tất bật với giấy tờ và con dấu. Chị Thuỳ là một trong những trường hợp đặc biệt của trạm khi bố bị tai biến, nhưng không thể ở nhà chăm sóc. Khối lượng công việc thời điểm này rất nhiều khiến chị không có thời gian cho gia đình. Chồng chị phải nghỉ việc ở nhà để chăm bố vợ và con.

Tương tự, chị Phạm Thị Thúy Dung và chị Nguyễn Thị Hậu đều là nhân viên y tế tại trạm, có chồng và con bị nhiễm SARS-CoV-2, nhưng phải "trực chiến" không được nghỉ. May mắn, cả hai "chiến binh áo trắng" đều có gia đình làm hậu phương vững chắc, thấu hiểu và sẻ chia cho đặc thù công việc của họ.

Dù chịu nhiều áp lực, song khi được hỏi hầu hết các y, bác sĩ đều cho rằng với họ việc cứu sống bệnh nhân quan trọng hơn tất cả. "F0 khỏi bệnh đến trạm rất đông, công việc nhiều, nếu mình nghỉ thì những đồng nghiệp khác lại phải gánh thêm phần việc của mình nữa, nên dù mệt cũng phải cố gắng chung sức với mọi người", một nhân viên y tế tại trạm nói.

Trạm Y tế phường Hoàng Liệt ngày 4/3 không còn cảnh người dân xếp hàng dài đợi xét nghiệm, xin giấy chứng nhận F0.

Phương án giảm tải cho nhân viên y tế cơ sở

Cách đây hơn một tuần, quận Hoàng Mai xuất hiện tình trạng người dân ùn ùn xếp hàng để xét nghiệm và xin giấy xác nhận mắc COVID-19, nhưng đến chiều 4/3 cảnh tượng người dân "rồng rắn" xếp hàng xin giấy xác nhận đã không còn.

Theo đó, dưới sự chỉ đạo của UBND quận, Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai, UBND phường Hoàng Liệt, Trạm y tế phường đã thành lập các nhóm nhỏ để hỗ trợ cho các F0.

Cụ thể, tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt chỉ trả giấy chứng nhận đã khỏi bệnh cho F0, hoặc giấy chứng nhận cho người đang là F0, quyết định hoàn thành thời gian cách ly cho F0... Ngoài ra, phường Hoàng Liệt còn lập một điểm tại nhà văn hóa khu dân cư Linh Đàm để tiếp nhận thông tin các F0 mới.

Tại đây, khi người dân không làm được test nhanh thì trạm y tế mới thực hiện, còn lại sẽ tự làm test nhanh tại nhà, rồi gửi kết quả cho tổ trưởng tổ dân phố (có thể qua hình thức gửi trực tiếp hoặc chụp ảnh, quay video rồi gửi qua Zalo).

Ngoài 2 điểm kể trên, phường Hoàng Liệt còn lập thêm một điểm khác ở tòa HH4C, chung cư Linh Đàm, đây sẽ là nơi trả tất cả các thủ tục hành chính cho công dân sinh sống tại tòa HH4C.

Trạm còn có thêm sự hỗ trợ của 18 tình nguyện viên là sinh viên Trường Cao đẳng y Hà Nội thay nhau hướng dẫn và tiếp công dân. Nhờ vậy, tình trạng người dân ùn ùn xếp hàng để xét nghiệm và xin giấy xác nhận mắc COVID-19 đã không còn, nhân viên y tế tại phường cũng đỡ vất vả hơn so với những ngày cao điểm trước đó.

"Đây là phương án hiệu quả, giúp giảm tình trạng lây nhiễm chéo trong cộng đồng, đồng thời giảm áp lực cho các cán bộ, nhân viên y tế tại trạm", lãnh đạo Trạm Y tế phường Hoàng Liệt nói.

Tác giả: Trung Dũng

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP