Giáo dục

TP.HCM: Một Hiệu trưởng bị giáng chức vì thu chi không minh bạch

Do để xảy ra thiếu sót trong hoạt động tài chính, Hiệu trưởng trường THCS Hồ Văn Long (quận Bình Tân, TP.HCM) đã bị giáng chức.

Giáo viên khiếu nại nhiều nơi

Sáng 23/10, một lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Bình Tân xác nhận với PV Người Đưa Tin Pháp luật về việc ông Phạm Vĩnh Phú, Hiệu trưởng trường THCS Hồ Văn Long bị giáng chức.

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền nhận thấy, ông Phạm Vĩnh Phú đã để xảy ra thiếu sót trong việc thu, chi tài chính không đúng quy định tại trường, gây bức xúc cho giáo viên, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.

Việc này đã vi phạm vào Điều 11, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.

Trước mắt, ông Phạm Vĩnh Phú vẫn công tác tại trường THCS Hồ Văn Long nhưng không được phân công nhiệm vụ. Quyền điều hành nhà trường đang giao cho một Phó Hiệu trưởng phụ trách.

Ông Phạm Vĩnh Phú đọc diễn văn khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 vừa qua.

Quyết định kỷ luật của UBND quận Bình Tân đã được công bố công khai vào ngày 22/10 tại trường THCS Hồ Văn Long, có giá trị áp dụng trong vòng 12 tháng. Nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, quyết định này sẽ chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản chấm dứt hiệu lực kỷ luật.

Vào tháng 5/2020, nhiều giáo viên trường THCS Hồ Văn Long đã phản ánh đến các cơ quan chức năng của quận Bình Tân và TP.HCM về việc lãnh đạo nhà trường không công khai tài chính theo đúng quy định, không đấu thầu căng-tin, bãi xe; thu nhập tăng thêm giảm khoảng 50%,…

Cụ thể, khoản thu tăng tiết học kỳ I năm học 2019-2020, các đơn thư tố cáo chỉ ra, đây là dịch vụ áp dụng tại các lớp không tổ chức bán trú. Khối lớp 6 có 7 lớp học tăng tiết, khối lớp 7 có 7 lớp, khối lớp 8 có 9 lớp và khối lớp 9 có 7 lớp.

Tính ra, 30 lớp có học tăng tiết, tương đương với khoảng 1.200 học sinh. Mức thu dao động từ 128 – 480 nghìn đồng/tháng (tùy tháng, lớp) thì tổng thu trong học kỳ I lên đến hơn 900 triệu đồng.

Trong khi đó, trường chi trả cho giáo viên trực tiếp dạy là 153 nghìn đồng/tiết. Như vậy, với hơn 2.200 tiết, số tiền trường chi cho bộ phận trực tiếp là khoảng 343 triệu đồng.

Trả lời về việc này, ông Phạm Vĩnh Phú cho biết, nhà trường chi trả đến 65% trên tổng thu từ tiền tăng tiết cho giáo viên trực tiếp dạy. Trước đó, trường có thỏa thuận với giáo viên, những ai đồng ý với mức thù lao thì mới được dạy.

Phải công khai, minh bạch thu chi

Đến tháng 7/2010, UBND quận Bình Tân thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Đình Thiện tại buổi làm việc với toàn thể giáo viên trường THCS Hồ Văn Long.

Trong kết luận, lãnh đạo UBND quận Bình Tân phê bình Hiệu trưởng về những nội dung thiếu sót trong công tác quản lý tài chính, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học, dẫn đến giáo viên gửi đơn phản ánh đến nhiều cơ quan tại quận, thành phố.

Nhiều giáo viên trường THCS Hồ Văn Long đã gửi đơn tố cáo lãnh đạo nhà trường vì hoạt động thu chi tài chính.

Từ đó, UBND quận Bình Tân giao phòng Nội vụ theo dõi tham mưu quận đánh giá quý, năm đối với hiệu trưởng; giao ban giám hiệu nhà trường bổ sung các nội dung thu - chi dạy thêm học thêm vào quy chế chi tiêu nội bộ, đưa vào sổ sách kế toán theo dõi, xuất hóa đơn thu tiền cho từng học sinh và thực hiện thu - chi theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ.

Đồng thời, nhà trường phải nộp toàn bộ số tiền mặt còn lại vào tài khoản tại kho bạc, không để tiền mặt tại đơn vị.

Việc thu tiền đối với các nguồn thu tin học, dò bài cũng phải chấm dứt, phải hoàn trả kinh phí còn lại cho học sinh, hoàn trả tiền học tiếng Anh bản ngữ đã thu trong thời gian học sinh nghỉ học; thu tiền học hai buổi theo đúng chỉ đạo.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên không chấp nhận việc xử lý phê bình đối với ông Phạm Vĩnh Phú nên tiếp tục phản ánh, khiếu nại lên cấp trên.

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP