Kinh tế

Thắng đậm giữa đại dịch, thiếu gia số 1 Việt Nam lọt top giàu nhất

Sự bứt tốc của cổ phiếu giữa đại dịch Covid-19 đã giúp nhiều cổ đông chứng kiến túi tiền nở ra bất chấp sự đi xuống chung trên TTCK. Thương vụ mua bán cách đây 2 tháng đã đưa con của chủ tịch Ngân hàng SHB vào top giàu nhất.

Liên tục tăng giá trong vài tháng gần đây, cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội đã vượt xa mức mệnh giá. Tính tới cuối phiên 13/4, cổ phiếu SHB của nhà ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) đã đạt mức 17.800 đồng, so với mức khoảng 5.000 đồng/cp cách đây khoảng 4 tháng.

Như vậy, trong một khoảng thời gian ngắn, cổ phiếu này đã tăng khoảng 3,5 lần, một tốc độ hiếm có trên thị trường chứng khoán.

Cú tăng giá thần tốc này giúp con trai của Bầu Hiển, thiếu gia Đỗ Vinh Quang, lọt top khoảng 80 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Với thương vụ mua vào 35,9 triệu cổ phiếu cách đây 2 tháng, con trai Bầu Hiện ước lãi khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, con trai chủ tịch Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn trong khoảng thời gian từ 15/1 đến 3/2. Ông Đỗ Vinh Quang đã chi ra khoảng 270 tỷ đồng cho thương vụ nói trên và tới nay đã lãi khoảng 500 tỷ dồng, bao gồm cả cổ tức, nhưng chưa tính số cổ phiếu mua ưu đãi trước đó.

Ngân hàng của Bầu Hiển tăng giá mạnh.

Không chỉ SHB tăng mạnh, nhiều cổ phiếu cũng tăng dữ dội, bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Cổ phiếu GVT của CTCP Giấy Việt Trì cũng đã tăng khoảng 2,5 lần trong vòng 2 tháng qua. Cú tăng giá cũng giúp ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ tịch HĐQT ghi nhận túi tiền tăng vọt.

Cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC cũng là một trường hợp đặc biệt. Trong 4 tháng qua, cổ phiếu này đã tăng khoảng 7 lần, từ mức 20.000 đồng/cp lên trên ngưỡng 140.000 đồng/cp như hiện tại.

GAB gần đây có nghị quyết sáp nhập FLC Faros (ROS) của ông Trịnh Văn Quyết. Đây là một thương vụ hiếm hoi và thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Nhiều cổ phiếu lớn như Vingroup, Bảo Việt, Masan,... hồi phục mạnh, tăng 30-40% so với đáy ghi nhận hôm 23/3. Cổ phiếu Masan Group thậm chí đã tăng so với thời điểm trước Tết.

Mỗi cổ phiếu có lý do tăng giá khác nhau. Với SHB, ngân hàng này có sự bứt phá khá ấn tượng trong thời gian gần đây.

Trong năm 2019, SHB đã đạt kết quả tăng trưởng tích cực với lợi nhuận đạt 3.077 tỷ đồng, ROE đạt 17,56%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,7%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,8%. Việc SHB đã mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn và từ đó SHB đã hội đủ điều kiện để chia cổ tức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong quý 1/2020, SHB đã thực hiện hoàn thành việc chia cổ tức tỷ lệ 20,9% của hai năm 2017 và 2018 theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông. Cổ tức SHB năm 2019 chưa chia được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông với tỷ lệ 11% sẽ được chia muộn nhất vào Quý 3/2020 theo đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 14/4, chỉ số VN-Index chùng lại sau nhiều phiên tăng điểm và nâng. Chỉ số này hiện đang ở gần mức 770 điểm.

Một số cổ phiếu blue-chips tiếp tục tăng giá. Bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) đều tăng nhẹ. Cổ phiếu Vinamilk, Sabeco, HPG tăng điểm. Một số cổ phiếu tài chính chùng lại.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ gặp áp lực rung lắc mạnh và có thể điều chỉnh giảm khi tiếp cận vùng kháng cự 780 ± 5 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ bắt đầu được công bố trong tháng 04.

Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng. Nhà đầu tư có thể giảm tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ các vị thế trung - dài hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/4, VN-Index tăng 7,85 điểm lên 765,79 điểm; HNX-Index tăng 0,98 điểm lên 107,16 điểm. Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 50,86 điểm. Thanh khoản đạt 4,8 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP