Pháp luật

Phúc thẩm vụ bà Chu Thị Bình bị ‘bốc hơi’ 245 tỷ đồng

EximBank kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TPHCM, tuy nhiên khi xử phúc thẩm, ngân hàng này lại không dự tòa.

Khách hàng Chu Thị Bình được cấp sơ thẩm tuyên nhận lại được 245 tỷ đồng tiền gửi. Ảnh: Tân Châu

Hôm nay (17/4), TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại EximBank chi nhánh TPHHCM. Đây cũng là vụ liên quan tới khách hàng Chu Thị Bình gửi 245 tỷ đồng tại EximBank và bị ‘bốc hơi’.

Trước đó, sau 2 ngày xét xử và nghị án, chiều ngày 23/11/2018, phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM xử vụ án đã kết thúc với phần tuyên án.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo nguyên là nhân viên EximBank là Hồ Ngọc Thủy (SN1986 tại Khánh Hòa) bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1984 tại Bình Thuận), Trần Nguyễn Xuân Lan (SN 1981 tại TPHCM), Nguyễn Thị Thi (SN 1978 tại Khánh Hòa), Cao Lan Phương (SN 1980 tại Ninh Thuận) và Lương Quốc Anh (SN 1986 tại TPHCM) từ 2 năm đến 3 năm tù cho hưởng án treo - Tất cả cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.

Về dân sự, bản án tuyên EximBank phải hoàn trả cho bà Chu Thị Bình 245 tỷ đồng tiền gốc và thêm phần lãi. Tòa cũng tuyên không chấp nhận đề nghị của phía EximBank khi EximBank tại phiên tòa “Đề nghị HĐXX xem xét bà Bình có sai sót, để cân nhắc đến quyền lợi của EximBank chứ không thể để Eximbank trả 100% cho bà Bình là không công bằng”.

Phiên tòa sáng nay tạm hoãn vì EximBank vắng mặt. Ảnh: Tân Châu

Theo nội dung bản án, từ năm 2012 đến năm 2017, Lê Nguyễn Hưng (nguyên phó giám đốc EximBank Chi nhánh TPHCM) dùng thủ đoạn gian dối lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê, lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Bình tại EximBank Chi nhánh TPHCM.

Lê Nguyễn Hưng cũng đã gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt nhưng đã thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ được giao, không đúng quy định của EximBank về trình tự thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và cho khách hàng rút tiền mặt dẫn đến việc Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tài sản của Eximbank Chi nhánh TPHCM.

Ông Lê Nguyễn Hưng đã rút tiền trong tài khoản tiết kiệm của bà Phùng Thị Phẩm (ngụ tại TPHCM) 10 tỷ đồng, bà Lê Thị Minh Qúi (ngụ quận 7, TPHCM) 9 tỷ đồng và 245 tỷ đồng từ các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình đang gửi tại EximBank Chi nhánh TPHCM. Tổng cộng Lê Nguyễn Hưng đã chiếm đoạt của Eximbank Chi nhánh TPHCM tổng cộng là 264 tỷ đồng.

Sau khi chiếm đoạt tiền, Lê Minh Hưng mua 850.000 USD của Cty Anh Tùng, dùng 152 tỷ đồng mua 41.853,23 chỉ vàng SJC của EximBank Chi nhánh TPHCM. Số tiền còn lại Hưng rút ra chi tiêu cá nhân.

Hành vi của Lê Nguyễn Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do Hưng bỏ trốn, nên cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Lê Nguyễn Hưng. Đồng thời tạm đình chỉ điều tra vụ án, lúc nào bắt được Hưng thì sẽ xử lý sau.

Bản án sơ thẩm nhận định, bà Chu Thị Bình ký tên trên giấy ủy quyền và một số giấy tờ khống khác không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho EximBank Chi nhánh TPHCM. Mặc dù, có chữ ký của bà Chu Thị Bình trên giấy ủy quyền nhưng nhân viên Eximbank thực hiện đúng quy định của EximBank về trình tự thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và rút quỹ tiền mặt thì Lê Nguyễn Hưng cũng không thể thực hiện hành vi rút tiền trong tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình do EximBank Chi nhánh TPHCM đang quản lý.

Đối với bà Nguyễn Thị Hồng Lê, bà Lê không biết việc Lê Nguyễn Hưng giả mạo ký tên bà mở tài khoản và giao dịch chuyển, rút tiền, lập ủy quyền để chiếm đoạt tiền của ngân hàng EximBank Chi nhánh TPHCM nên không xử lý hình sự.

Đối với hai khách hàng Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Qúi, do EximBank đã tất toán nên tòa không xem xét xử lý.

Sau án sơ thẩm, chỉ 1 bị cáo kháng cáo là Hồ Ngọc Thủy, bị cáo Thủy kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; khách hàng Chu Thị Bình và EximBank cũng kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay (17/4), trong phần thẩm tra tư pháp, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy EximBank kháng cáo nhưng lại vắng mặt tại phiên xử. Để đảm bảo quyền lợi cho EximBank, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, HĐXX cũng cho biết thời gian mở lại phiên xử là ngày 19/4 tới. Chủ tọa cũng nói rằng “sẽ tống đạt lại quyết định triệu tập đại diện EximBank tham gia phiên xử”.

Tác giả: TÂN CHÂU

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP