Trong tỉnh

Ông Trương Đình Tuyển nói về mục tiêu 500 triệu USD từ xuất khẩu gỗ của Nghệ An

Đến năm 2025, Nghệ An phải phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 500 triệu USD. Mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh chế biến gỗ ở Nghệ An, đưa tỉnh nhà trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ của khu vực Bắc Trung bộ.

Đó là ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nguyên ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế, xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội thảo Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An diễn ra sáng 25/3.

Theo ông Trương Đình Tuyển, Nghệ An có điều kiện trở thành trung tâm gỗ của khu vực Bắc Trung bộ. Ảnh: Thu Huyền

Cần tăng tuổi của gỗ rừng trồng

Chia sẻ tại hội nghị, Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh Trương Đình Tuyển khẳng định, diện tích rừng trồng ở Nghệ An là đủ lớn để cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nghệ An lại có hệ thống giao thông đồng bộ, bao gồm đường bộ Bắc - Nam, Đông - Tây, đường sắt và cảng biển rất thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm, tuy khoảng cách từ vùng nguyên liệu đến cảng xuất tương đối xa. Nhưng đây không phải là nguyên nhân chính hạn chế sự phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh, vì nhiều nhà máy chế biến gỗ ở tỉnh khác vẫn lấy nguyên liệu và bán thành phẩm ở Nghệ An.

Chăm sóc vườn keo ở BQL rừng phòng hộ Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Đặt vấn đề đến năm 2025 Nghệ An phải phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 500 triệu USD, theo ông Trương Đình Tuyển cần tăng tuổi của gỗ rừng trồng lên 7 đến 8 năm, và có thể lên 12 năm. Vì hiện nay người trồng rừng thường khai thác khi cây mới 3 - 4 tuổi. Khai thác ở độ tuổi này, mỗi ha rừng nếu trồng thật dày làm tăng tiền mua giống cũng chỉ được 100 m3 gỗ, bán tại rừng được 60 triệu đồng. Đây là thời gian chi phí của việc trồng rừng là lớn nhất, cho đến khi khép tán (vào năm thứ 3). Từ năm thứ 3, người trồng rừng hầu như không phải tốn công chăm sóc.

"Khai thác khi cây mới được 3 - 4 tuổi, người trồng rừng có thu nhập thấp. Mặt khác, cây 3 - 4 tuổi chủ yếu làm gỗ dăm, giá bán một tấn dăm tại cảng chỉ là 2,9 triệu/tấn; nếu xuất khẩu khoảng 136 - 140 USD/tấn. Nếu sau 7 - 8 năm mới thu hoạch, thì từ năm thứ 3, người trồng rừng hầu như không mất thêm chi phí…" - Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế xã hội lý giải.

Tăng cường thu hút đầu tư

Theo ông Trương Đình Tuyển, Nghệ An cần hình thành cụm công nghiệp chế biến gỗ tập trung để thu hút mạnh các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI đầu tư chế biến gỗ ở cụm công nghiệp này, nhất là các doanh nghiệp người Nghệ đã đầu tư thành công ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định và các địa phương khác khác.

Các doanh nghiệp đầu tư có thể lập chi nhánh tại Nghệ An và đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu tại cảng Cửa Lò, nhưng cũng có thể sản xuất sản phẩm trung gian và chuyển về trụ sở chính để lắp ráp xuất khẩu.

Sản phẩm gỗ thanh xuất khẩu của Công ty CP Lâm nghiệp tháng Năm. Ảnh: Thu Huyền

Cùng với đó là ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập mạng sản xuất theo liên kết chuỗi, tạo điều kiện để chuyên môn hóa nhằm tăng năng suất và tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo thuận lợi cho khách mua hàng. Việc hình thành mối liên kết theo chuỗi sản xuất theo hướng chuyên môn hóa còn giúp giám sát môi trường tập trung và hiệu quả hơn. Khi các doanh nghiệp vào đầu tư đạt đến số lượng và quy mô đủ lớn, cần hình thành khu chợ cung cấp gỗ nguyên liệu (cả gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu) tại cụm công nghiệp này.

Thành lập Hiệp hội gỗ Nghệ An

Coi trọng đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp lao động có tay nghề cao cho các nhà máy chế biến.

Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc để có thể xuất khẩu vào EU nhằm mở rộng thị trường ở thực thể kinh tế lớn nhất thế giới này, nhất là khi có EVFTA với mức thuế nhập khẩu ưu đãi

Ông Trương Đình Tuyển cũng gợi ý tỉnh nên thành lập Hiệp hội gỗ Nghệ An và tham gia Hiệp hội gỗ Việt Nam để trao đổi thông tin thị trường, chính sách nhập khẩu của các nước, xúc tiến thương mại, các công nghệ mới trong trồng rừng và chế biến gỗ và hỗ trợ đào tạo…

Ngoài ra, ông Trương Đình Tuyển cũng nhấn mạnh về phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ, phát triển mây tre đan, cây dược liệu. Nhu cầu dược liệu để sản xuất thuốc đông dược ở nước ta ước tính 60 nghìn tấn/năm. Hiện mới đáp ứng được 20 nghìn tấn, số còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Để phát triển dược liệu, cần cho phép người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, kể cả rừng quốc gia.

“Do có diện tích rừng lớn, Nghệ An cần đặt mục tiêu tăng giá trị lâm sản ngoài gỗ cao hơn tốc độ tăng bình quân cả nước” - ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Tác giả: Thu Huyền

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP