Giáo dục

Nghệ An: Thí sinh chủ động lựa chọn nguyện vọng tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm nay, nhiều học sinh lớp 12 tại Nghệ An hoàn thành nộp hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT sớm hơn so với các năm trước.

Học sinh Trường THPT Anh Sơn 1 nộp phiếu đăng ký thi Tốt nghiệp THPT 2021.

Trong đó, phần lớn các em lựa chọn phương thức đăng ký trực tuyến để thuận lợi thay đổi nguyện vọng. Về phía các trường THPT cũng chú trọng, tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh giúp thí sinh có lựa chọn phù hợp cho tương lai.

Lựa chọn phương thức đăng ký dự thi phù hợp

Em Hoàng Anh Tuấn, lớp 12T1 là học sinh đạt kết quả cao nhất tại Kỳ thi thử tốt nghiệp của Trường THPT Anh Sơn 1 (Nghệ An) với 27,7 điểm. Trong đó, Toán đạt 9,2 điểm, Vật lý 9,5 điểm và Hóa học 9 điểm. Với kết quả này, Tuấn dự định sẽ đăng ký vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, đây là ngành có số lượng thí sinh đăng ký lớn, nhiều bạn có năng lực nên Tuấn không chủ quan. “Ngoài ôn thi tốt nghiệp THPT, em đang chờ cơ hội xét tuyển thẳng bằng học bạ THPT vào một số trường đại học khác”, Tuấn cho biết. Cũng vì cân nhắc các nguyện vọng, nên nam sinh chọn phương thức đăng ký trực tuyến, điền phần thông tin phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn phần nguyện vọng xét tuyển đại học thì để trống.

Cô giáo Đậu Thị Thanh – nhân viên văn thư của trường cho hay: “Chúng tôi đã phát cho học sinh 2.000 hồ sơ nhận từ Sở GD&ĐT. Hiện học sinh lớp 12 đã cơ bản hoàn thành nộp phiếu đăng ký dự thi THPT về cho nhà trường. Nhìn chung, hồ sơ của thí sinh năm nay không có nhiều sai sót. Tuy vậy, thay vì xét tuyển nguyện vọng trực tiếp, các em đa phần lựa chọn đăng ký xét trực tuyến qua mạng để thuận lợi trong việc thay đổi nguyện vọng.

Năm học này, Trường THPT Anh Sơn 1 có hơn 400 học sinh lớp 12. Hiện nhà trường đang tích cực dạy học trình học chính khóa song song với việc ôn thi tốt nghiệp THPT. Thầy Nguyễn Cảnh Tuấn – hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Buổi sáng, học sinh các lớp học bình thường theo thời khóa biểu. Nhưng giờ ôn thi buổi chiều, mỗi môn đều chia học sinh ra các nhóm để có phương pháp giảng dạy, hàm lượng kiến thức phù hợp. Trong đó dạy nâng cao cho nhóm học sinh giỏi, hệ thống lại chương trình kỹ lưỡng cho nhóm trung bình khá để các em đạt mục tiêu vào đại học. Còn tốp học sinh trung bình và yếu hơn thì chỉ dạy kiến thức cơ bản nhất để đạt mục tiêu xét tốt nghiệp”.

Giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) hướng dẫn học sinh điền đúng thông tin vào hồ sơ ĐKDT

Định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp

Trong ngày đầu đăng ký thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, Lê Quốc Đẩu (nguyên là HS Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An) đã đến nộp hồ sơ theo diện thí sinh tự do. Năm trước, Đẩu đã trúng tuyển ngành Cơ khí chế tạo (ĐH Bách khoa Hà Nội). Nhưng sau thời gian theo học, em thấy lĩnh vực này không phù hợp với mình nên quyết định bảo lưu kết quả, dành thời gian ôn tập để thi lại đại học. “Năm nay, em đăng ký vào ngành Vật lý kỹ thuật của ĐH Quốc gia Hà Nội. Dù chọn lại, em cũng không thấy lãng phí 1 năm học vừa rồi, vì ở đó em cũng đã học được nhiều kiến thức, kỹ năng”, Đẩu cho hay.

Năm nay, THPT Lê Viết Thuật có khoảng 70% học sinh lớp 12 có nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Số còn lại lựa chọn đi du học hoặc học nghề theo sở thích, năng khiếu của mình. Thái Bảo Huy (HS lớp 12D4) quyết định theo nghề cắt tóc chứ không vào đại học. Em đã chủ động theo học nghề từ 1 năm nay và đang làm thợ phụ cho một tiệm tóc tại TP Vinh.

Cùng lớp Huy, có 2 bạn lại quyết định khởi nghiệp theo con đường âm nhạc với nghệ danh quen thuộc với cả trường là Hồ Ngọc Tiến (Robin Wiz) và Bùi Anh Minh (Krxzu). Tiến muốn theo đuổi việc sáng tác nhạc Rap và dự định sau khi tốt nghiệp sẽ vào TP Hồ Chí Minh vừa đi làm, vừa học hỏi thêm. Còn Minh phụ trách mảng hòa âm, phối khí... nhưng em vẫn chọn theo ĐH Sư phạm tiếng Anh. Em cho biết sẽ học ở phía Nam để gần Tiến, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục “hợp tác” với nhau.

Cô Nguyễn Thị Hà Giang – Chủ nhiệm lớp 12D4 Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết, hiện nay xu hướng chọn ngành nghề của học sinh đa dạng hơn, với nhiều tổ hợp xét tuyển mới ngoài khối A, B, C, D như truyền thống. Để hỗ trợ học sinh có lựa chọn phù hợp, nhà trường và mỗi giáo viên chủ nhiệm đều sớm tư vấn hướng nghiệp. Trong đó lưu ý học sinh nên lựa chọn ngành phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân, kinh tế gia đình...

“Lớp tôi có khoảng 90% học sinh xét tuyển ĐH, số còn lại cũng có lựa chọn cho riêng mình như học nghề, theo thiên hướng nghệ thuật... Tôi thấy đó là một tín hiệu tích cực vì các em đã có sự lựa chọn đúng với đam mê của mình thay vì xem lựa chọn vào đại học là tuyệt đối”, cô Hà Giang chia sẻ.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP