Trong tỉnh

Nghệ An: Lạ kỳ chuyện người dân tham gia bảo vệ rừng nhưng không biết diện tích cụ thể

Dù được nhận tiền từ việc bảo vệ rừng nhưng người dân ở huyện Quế Phong (Nghệ An) lại không được chính quyền thông tin về diện tích rừng mà họ được giao khoán.

Ngoài việc bị thu lại tiền bảo vệ rừng như An Ninh Tiền Tệ đã phản ánh trước đó trong bài viết Hộ nghèo ở Nghệ An 'kêu cứu' vì bị thu lại tiền hỗ trợ bảo vệ rừng, thì người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng ở huyện Quế Phong (Nghệ An) còn không được thông tin về diện tích bảo vệ.

Trao đổi với PV, chị Vi Thị Hương, bản Liên Phương, xã Châu Kim, huyện Quế Phong thừa nhận nhiều thành viên trong đội bảo vệ rừng không biết diện tích rừng của gia đình mình bảo vệ.

Điển hình có ông Lương Đào, chính bản thân vị đội trưởng đội bảo vệ rừng 30a bản Chổi cũng không hề hay biết diện tích của gia đình mình đang bảo vệ.

Đặt vấn đề, người bảo vệ rừng nhưng không biết diện tích rừng của mình, vậy đã bao giờ ông lên khu vực rừng bảo vệ hay chưa, ông Đào cho biết, diện tích rừng của gia đình bao nhiêu không rõ mà chỉ biết khu vực bảo vệ. Một tháng các thành viên trong tổ bảo vệ lại đi kiểm tra.

Nhiều bất cập trong việc bảo vệ rừng ở huyện miền núi Quế Phong

Không chỉ có ông Lương Đào, nhiều người có "thâm niên" bảo vệ rừng 30a từ 3 đến 4 năm ở bản Liên Phương khi được hỏi đều trả lời không biết về diện tích rừng của gia đình đang bảo vệ.

Trong khi đó theo tìm hiểu thì, quy trình để giao nhận khoán bảo vệ rừng theo chương trình 30a rất "bài bản". Ngoài việc ghi rõ diện tích của từng hộ dân thì hàng năm vẫn có sự giám sát, kiểm tra từ cơ quan chức trách.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quế Phong giải thích, ranh giới do đội tư vấn, thiết kế lập. Năm 2021 trong quá trình bàn giao rừng huyện sẽ cho kiểm tra và bàn giao cặn kẽ.

Ông Lương Đào, Đội trưởng đội bảo vệ rừng bản Chổi (cũ) không biết diện tích rừng do ông bảo vệ.

Theo quyết định 423/QĐ-UBND của UBND huyện Quế Phong về việc Phê duyệt dự toán kinh phí khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng năm 2020, thuộc Chương trình 30a từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, định mức hỗ trợ là 400.000 đồng/ha rừng bảo vệ.

Như vậy, việc chính quyền huyện Quế Phong giao khoán, bảo vệ rừng cho người dân nhưng lại không thông tin đầy đủ cho từng người số diện tích là chưa hợp lý.

Được biết, năm 2020 cả huyện Quế Phong có hơn 3.297 ha rừng được giao khoán theo chương trình 30a. Trong đó Châu Kim là xã chiếm tỉ lệ cao nhất với hơn 30% (1.091 ha).

An Ninh Tiền Tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Hồ Phương – Văn Bình

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP