Trong tỉnh

Nghệ An: Di dời hàng trăm hộ dân trước nguy cơ sạt lở

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa rất to, nhiều nơi ngập sâu, trong khi đó các hồ, đập nước bắt đầu dâng cao. Hiện, tỉnh Nghệ An đã khẩn trương di dời gần 180 hộ dân trước nguy cơ sạt lở.

Hàng trăm hộ dân tại Nghệ An phải di dời trước nguy cơ sạt lở.

Tại huyện Hưng Nguyên và Thanh Chương, lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền vận động người dân, huy động phương tiện để sơ tán hơn 40 hộ dân ở khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, tại huyện Hưng Nguyên, lực lượng chức năng đã vận động các hộ dân ở khu vực núi Rày thuộc các xóm 3, 4, 5, xã Hưng Yên Nam có nguy cơ sạt lở chuyển đến nơi an toàn. Đây là những hộ dân thuộc Giáo họ Xuân Yên, Giáo xứ Trang Nứa.

Trong khi đó, tại xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, chính quyền địa phương cũng đã gấp rút di dời 2 hộ dân gồm gia đình anh Phan Văn Hào (33 tuổi) và gia đình chị Phan Thị Đào (31 tuổi) trú tại xóm Nguyệt Đổng trước nguy cơ sạt lở.

“Đây là 2 gia đình có con nhỏ, nhà gần mép núi, sau khi xuất hiện vết nứt, chúng tôi đã vận động, đồng thời di dời 2 hộ đến nơi an toàn, tránh nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng”, ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết thêm.

Đặc biệt, tại huyện miền núi Kỳ Sơn, chính quyền huyện đã sơ tán gấp hàng trăm người dân ở các xã nằm trong nguy cơ sạt lở đến các khu tránh trú an toàn.

Quả núi trên QL7 đoạn qua địa bàn thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) có nguy cơ sạt lở.

Tuyến đường liên xã tại xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9, trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn mưa liên tục nhiều ngày qua.

Trước nguy cơ có thể xảy tình trạng sạt lở đất trên địa bàn, huyện Kỳ Sơn đã vận động và sơ tán hàng trăm hộ dân ở các xã nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi tránh trú an toàn.

Cụ thể, tại xã Mường Ải di dời 26 hộ với 144 nhân khẩu, xã Bảo Nam 36 hộ với 194 nhân khẩu, xã Mường Típ 138 hộ với 726 nhân khẩu...

Mực nước sông Lam tăng cao.

Tại huyện Con Cuông, theo ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy cho biết: Hiện nay trên địa bàn có mưa to đến rất ro, một số đập tràn và khe suối ở Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn, Đôn Phục, Thạch Ngàn... dâng cao chia cắt khiến người dân không thể đi lại được.

Nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các điểm như cầu Khe Lội, Dốc Chó, tuyến đường Mậu Đức - Thạch Ngàn.

“Hiện chúng tôi đề nghị các xã, thị trấn và nhà trường cùng ban ngành của huyện tuyên truyền, chỉ đạo cho mọi người và học sinh đề cao cảnh giác không chủ quan, không đi xúc cá, vớt củi khi nước dâng”, ông Hùng cho biết thêm.

Mưa xối xả từ trưa ngày 29/10, trung tâm thị trấn huyện Đô Lương ngập sâu từ 30-60 cm.

Tại huyện Đô Lương, từ trưa ngày 29/10 đã xảy ra mưa như trút nước. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, hầu như các tuyến đường Trung tâm ở Đô Lương đều ngập nặng. Trong đó khu vực ngã ba Bưu Điện, khu đô thị Vườn Xanh, đối diện cổng Huyện ủy ngập sâu đến 0,6 m.

UBND huyện Đô Lương đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị, các xã thị kiểm tra hệ thống hồ đập, triển khai các biện pháp chống ngập úng.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP