Trong tỉnh

Nghệ An: Công chứng làm sai, dân chịu thiệt

Báo Gia đình & Xã hội nhận được đơn của ông Nguyễn Kiên Cường (SN 1964, trú tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) phản ánh về những vi phạm của công chứng viên Nguyễn Văn Thỏa (Văn phòng Công chứng Bắc Trung Bộ, Nghệ An).

Ông Cường và vợ trao đổi với PV. Ảnh: B.M

Theo đó, quá trình thực hiện công chứng bản di chúc thừa kế của cụ Văn Thị Truật (mẹ ông Cường) ngày 10/7/2017 có nhiều vi phạm như: Bản di chúc chỉ có điểm chỉ mà không ký tên của cụ Truật; Hồ sơ công chứng không có giấy tờ tùy thân của cụ Truật; Công chứng được lập tại nhà cụ Truật nhưng lời lại được ghi ở văn phòng công chứng…

Liên quan đến vi phạm của công chứng viên Nguyễn Văn Thỏa, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An đã có thông báo số 1703/TB-STP gửi ông Cường thừa nhận nhiều nội dung tố cáo là đúng. Cụ thể, khi ông Thỏa thực hiện công chứng di chúc của cụ Truật, trong hồ sơ công chứng lưu tại Văn phòng công chứng không có giấy tờ chứng minh nhân thân của cụ Truật là vi phạm điểm c, khoản 1, Điều 40 Luật Công chứng. Bên cạnh đó, cụ Truật là người biết chữ nhưng tại thời điểm công chứng, ông Thỏa chỉ thực hiện việc điểm chỉ mà không yêu cầu cụ Truật ký vào bản di chúc là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 48 Luật Công chứng. Tại bản di chúc được công chứng có nội dung cụ Truật đã nhờ bà Trần Thị Thủy đánh máy bản di chúc. Trong trường hợp này, phải có ít nhất 2 người làm chứng nhưng qua kiểm tra nội dung thấy không có người làm chứng nào là không đúng quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015.

Thông báo cho rằng, qua kiểm tra, xác minh thấy rằng ông Thỏa thực hiện công chứng bản di chúc của cụ Truật là công chứng ngoài trụ sở. Tuy nhiên, phần lời chứng của công chứng viên không ghi rõ việc công chứng được thực hiện ở đâu là vi phạm Điều 46 Luật Công chứng và mẫu số 03 Thông tư số 06/2015/TT-BTP.

Được biết, liên quan đến vụ việc này, hai cấp tòa của Nghệ An cũng đã đưa ra xét xử về "Tranh chấp thừa kế". Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Nghệ An cũng đã phân tích về những vi phạm của công chứng viên Nguyễn Văn Thỏa. Cụ thể, đại diện VKSND nhận định: "Di chúc của cụ Truật lập ngày 10/7/2017 chưa được thực hiện đúng quy định tại Điều 636 và Điều 639 Bộ luật Dân sự 2015. Vì vậy có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Cường yêu cầu hủy di chúc của cụ Truật. Đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND thị xã Cửa Lò giải quyết lại theo thủ tục chung".

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông Cường. Trước phán quyết của toà, ông Cường cho biết sẽ làm đơn khiếu nại gửi TAND Cấp cao để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP