Trong tỉnh

Loạn cơ sở thẩm mỹ: Khó kiểm tra, “vướng” trong xử phạt

Nhiều cơ sở thẩm mỹ ở Nghệ An quảng cáo và thực hiện những thủ thuật mà chỉ có các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mới được phép. Trong khi đó việc quản lý, xử phạt lại khó khăn và gặp nhiều vướng mắc.

Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Y tế cùng Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra cơ sở thẩm mỹ D'Vincy Lam Hồng (TP Vinh, Nghệ An)

Kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ vi phạm

Đầu tháng 1/2020, Sở Y tế cùng Công an tỉnh Nghệ An thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở thẩm mỹ làm đẹp ở TP. Vinh. Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện nhiều sai phạm từ các cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện.

Tại cơ sở Thẩm mỹ viện Hàn Quốc, địa chỉ số 255 đường Hà Huy Tập, tại thời điểm kiểm tra, có rất nhiều khách hàng đang thực hiện phun mày, phun môi, chăm sóc da… Ngoài ra, trên sổ sách ghi chép khách hàng thể hiện cơ sở thực hiện nhiều kỹ thuật khác như: Nâng mũi giá 13 triệu đồng; cắt mí 5 triệu; cắt môi 6 triệu… Trong khi cơ sở này chỉ xuất trình được Giấy phép kinh doanh thực hiện phun thêu thẩm mỹ, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp do UBND TP. Vinh cấp.

Chủ cơ sở cho biết chỉ nhận khách hàng rồi chuyển ra Hà Nội thực hiện thủ thuật để hưởng phần trăm hoa hồng chứ không thực hiện tại cơ sở.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, yêu cầu cơ sở không được triển khai các thủ thuật không được cơ quan chức năng cấp phép, tiếp tục phối hợp với đoàn làm rõ các hoạt động của cơ sở…

Một thẩm mỹ viện thiếu giấy phép ở một số lĩnh vực làm đẹp

Thực tế tại Nghệ An hiện có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ nhưng lại quảng cáo và thực hiện những dịch vụ không được phép làm. Cụ thể theo quy định, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động như xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Còn các dịch vụ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể chỉ được phép thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám, cơ sở khám bệnh có chuyên khoa thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo thống kê chưa đầy đủ, TP Vinh (Nghệ An) có 74 cơ sở thẩm mỹ

Thông tin quảng cáo của cơ sở Thẩm mỹ Quỳnh Hương, số 93 Nguyễn Thái Học cho biết, thực hiện được các kỹ thuật như: Triệt lông, điều trị nám bằng laser, nâng cơ, xóa nhăn, điều trị giãn mao mạch… Song các kỹ thuật này chỉ có cơ sở chuyên khoa được cấp phép mới được thực hiện.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở này có nhiều thuốc Meditoxin 100u và thuốc Botulax 100 không rõ nguồn gốc, không tem nhập khẩu, không hóa đơn… Đây là những loại thuốc bán theo đơn và chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới sử dụng cho bệnh nhân.

Khó khăn trong kiểm tra, xử phạt

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Y tế TP Vinh, hiện trên địa bàn có 74 cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, spa. Trong đó, chỉ có 30 cơ sở hành nghề đã có công bố cơ sở đủ điều kiện thực hiện dịch vụ thẩm mỹ lên phòng Y tế; 44 cơ sở hoạt động mà không công bố cơ sở đủ điều kiện thực hiện dịch vụ thẩm mỹ.

Tuy nhiên, việc xử lý các cơ sở thẩm mỹ đang có nhiều khó khăn bất cập. Theo bà Hồ Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Y tế thành phố Vinh cho biết: “Tiến hành kiểm tra phát hiện nhiều cơ sở phun, xăm môi, mi mắt hoạt động "chui" nhưng việc xử lý rất khó khăn".

Bởi phải bắt quả tang trực tiếp mới xử phạt được, trong khi các cơ sở cũng thường che giấu, phủ nhận các hành vi vi phạm của mình. Lấy lý do chủ cơ sở đi vắng để trì hoãn thời gian tiếp đón hoặc khi lực lượng chức năng xuất hiện, qua camera các cơ sở này đã ngừng thực hiện thủ thuật.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ thực hiện những kỹ thuật xâm lấn mà chỉ các bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa thẩm mỹ mới được phép

Mặc khác, thực tế lực lượng quản lý mỏng nên không kiểm soát nổi và khó khăn khi tiếp xúc kiểm tra, xử lý. Bà Hồ Thị Hoa cũng cho hay, trong năm 2019, đoàn liên ngành TP Vinh kiểm tra chỉ được 13 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa. Xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với tổng số tiền phạt là 15.000.000 đồng. Các lỗi xử phạt chủ yếu là quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề, sổ theo dõi bệnh nhân.

Về vấn đề các cơ sở thẩm mỹ xin giấy phép một đằng, quảng cáo và thực hiện các thủ thuật một nẻo, ông Nguyên Truyền, Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cho biết: Chủ cơ sở làm đẹp đang lẫn lộn giữa phạm vi hoạt động của các loại hình: Dịch vụ thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Tuy nhiên, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế gây khó khăn cho công tác quản lý. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Sở Y tế mới chỉ cấp phép cho 3 phòng khám và 1 bệnh viện do Bộ Y tế cấp phép”.

Trong buổi làm việc với TP. Vinh vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cũng đã đề nghị thành phố quyết liệt trong vấn đề này. Trước tiên là xử lý dứt điểm việc tên biển hiệu, quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ, đưa về đúng tên gọi của mình vì người dân vẫn chủ yếu dựa vào biển hiệu, quảng cáo để lựa chọn nơi đi làm đẹp.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP