Xã hội

Hoạt động vận tải du lịch ở Nghệ An còn thiếu và yếu

Quy mô nhỏ, thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh chưa lành mạnh… là những nhận xét về hoạt động vận tải du lịch ở tỉnh ta hiện nay. Nhận diện thẳng thắn những hạn chế, bất cập, tìm giải pháp tháo gỡ để góp phần đưa du lịch Nghệ An ngày càng chuyên nghiệp, văn minh là điều cần làm ngay.

Cung không đủ cầu

Bàn về hoạt động của vận tải du lịch Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch Công ty Đầu tư du lịch PhucGroup chia sẻ câu chuyện thực tế: “Tháng 12/2016, công ty chúng tôi tổ chức đoàn 800 khách đi tour Việt Nam - Lào - Thái Lan. Số lượng khách đông, đi dài ngày, yêu cầu chất lượng dịch vụ cao, khi nhận khách, lo nhất là vấn đề xe vận chuyển. Bấy giờ tìm “đỏ mắt” ở Nghệ An cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Ngày 23 - 25/6 tới đây, công ty lại nhận đoàn 1.300 khách cũng gặp khó trong việc huy động xe. Chúng tôi phải liên kết với một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội, sử dụng 100% xe từ Hà Nội vào mới đáp ứng số lượng và chất lượng dịch vụ cho khách hàng”.

Đoàn xe vận chuyển khách du lịch đi tour Việt Nam - Lào - Thái Lan của Công ty PhucGroup.

Mùa cao điểm du lịch ở Nghệ An nằm vào khoảng ra Tết và mùa hè, tầm tháng 5 đến tháng 7. Hiện tại đang chính mùa du lịch, không ít doanh nghiệp lữ hành loay hoay thuê xe phục vụ khách.

Ông Phan Đăng Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Úc - Việt chia sẻ: “Lúc cao điểm, chúng tôi phải gọi điện “nhặt” từng xe một rồi mới ghép đoàn đưa đón khách. Yêu cầu chất lượng của xe vận tải khách du lịch rất cao, trên xe phải có hệ thống tivi, loa đài, micro, wifi, điều hoà thoáng mát; xe phải có hình thức đẹp, ghế ngồi đúng tiêu chuẩn... Xe vận tải khách ở Nghệ An nhiều nhưng xe đáp ứng đủ yêu cầu vận tải khách du lịch thì vẫn thiếu”.

Tìm hiểu thông tin về vận tải du lịch Nghệ An, khá bất ngờ khi được biết trên địa bàn toàn tỉnh chưa có một doanh nghiệp nào đăng ký kinh doanh vận tải khách du lịch đường bộ. Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT cho biết, hiện chỉ có 35 doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng. Với loại hình giấy phép này, doanh nghiệp vừa có thể nhận hợp đồng chở khách du lịch, vừa có thể hợp đồng chở khách tham quan, đám cưới, các hoạt động ngoại khoá… 35 doanh nghiệp hầu hết là quy mô nhỏ, trung bình chỉ có khoảng 2 - 3 xe ô tô, rất ít doanh nghiệp đầu tư lớn.

Lý giải điều này, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, do du lịch Nghệ An có tính chất mùa vụ, một năm mất khoảng 6,7 tháng là xe chịu cảnh “nằm không” ở gara. Các chủ doanh nghiệp phải linh động tìm “mối” để xe có hợp đồng chở khách đi với nhiều yêu cầu khác nhau chứ không thể phụ thuộc vào mỗi nguồn khách du lịch. “Đó là lý do chính khiến chúng tôi không đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải khách du lịch mà lại chọn đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng. Nếu đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải khách du lịch thì theo quy định chỉ được chở khách du lịch, như thế các doanh nghiệp sẽ bị ràng buộc, rất bị động” - một chủ doanh nghiệp trần tình.

Vì không chuyên nghiệp, nên chất lượng vận tải du lịch xét trên các yếu tố con người, phương tiện… vẫn còn hạn chế. Tài xế xe du lịch không chỉ là người lái xe, mà còn là người hướng dẫn, trò chuyện, khích lệ, giúp đỡ du khách trên hành trình, luôn phải có thái độ văn minh, hoà nhã, có ý thức bồi đắp hình ảnh du lịch địa phương. Thực tế, yếu tố này ở các đơn vị kinh doanh có tham gia vận tải khách du lịch còn chưa thực sự được chú trọng.

Cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là nhận xét mà nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh nhấn mạnh khi trao đổi về thực tế hoạt động ở Nghệ An. Ông Nguyễn Thọ Siên - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải lữ hành Quốc tế Việt Nam, doanh nghiệp được đánh giá là sở hữu lượng xe nhiều nhất nhì trong “giới” - thẳng thắn chia sẻ: “Tôi đầu tư vào đội xe khoảng 20 tỷ đồng, mới đây nhất là nhập 2 xe 47 chỗ ngồi, xấp xỉ 8 tỷ đồng. Xe đời mới, hình thức đẹp nhưng có những thời điểm vẫn không “đấu” lại xe đời thấp, hình thức xấu.

Hiện nay, có nhiều xe mang biển số Lào, xe quá niên hạn sử dụng, vi phạm quy định vận tải khách du lịch nhưng họ vẫn nhận đưa đón khách. Chi phí họ bỏ ra rất thấp nên cấu thành giá hợp đồng cũng thấp, những doanh nghiệp đầu tư lớn như chúng tôi khó mà cạnh tranh được. Một bộ phận khách hàng lại chỉ chọn xe dựa trên bảng giá chứ không quan tâm đến chất lượng, khiến hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn”.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Nghệ An phải thuê xe từ Hà Nội vào để vận chuyển khách du lịch.

Cùng ý kiến với anh Nguyễn Thọ Siên, nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định, xe “chui” biển Lào giá “bèo”, nhập vào chỉ xấp xỉ bằng nửa giá xe ở Việt Nam, việc đăng ký liên vận ở Lào cũng khá dễ dàng. Đáng chú ý, xe Lào không quy định niên hạn sử dụng, không yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, quy định về vận tải hành khách cũng tương đối “thoáng”. Đặc biệt, nhiều chủ xe Lào chạy trên đất Việt còn chia sẻ cho nhau nhiều cách “lách” thuế trước bạ, phí đường bộ giúp chi phí hoạt động vận tải của xe Lào giảm đến mức tối đa.

“Vận tải khách du lịch đúng quy định phải có bảo hiểm cho từng hành khách ngồi trên xe, mức bảo hiểm có thể lên đến 100 triệu đồng/vụ/người. Nhưng một số nhà xe hiện nay cố tình nhập nhằng không thực hiện điều này, họ thường giao dịch “miệng” với khách chứ không ràng buộc hợp đồng, khách hàng cũng thiếu hiểu biết nên chỉ chọn nhà xe nào giá rẻ chứ không tìm hiểu kỹ quyền lợi mình được hưởng. Đến khi gặp chuyện rủi ro mới vỡ lẽ thì đã muộn!” - một chủ doanh nghiệp phân tích thêm.

Để chấn chỉnh tình trạng “xe Lào, lái Việt” tham gia vận tải khách du lịch trái quy định, thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh. Tuy nhiên, một số ràng buộc về thẩm quyền xử lý, quy định vận tải giữa hai nước gây nên những khó khăn nhất định với các lực lượng. Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT cho biết, Sở thường xuyên tổ chức các hội nghị, phổ biến các quy định của Hiệp định, Nghị định thư về vận tải khách liên vận quốc tế cho các chủ xe, tài xế để góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các Thông tư liên tịch giữa Bộ GTVT và Bộ VH-TT&DL.

Về phía Sở Du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở cho biết: “Thực tế hoạt động vận tải du lịch ở Nghệ An còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao. Để khắc phục điều này, ngoài phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát thì Sở còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người điều khiển và người phục vụ trên các phương tiện vận tải du lịch. Đồng thời, tăng tuyên truyền để người dân hiểu, nắm bắt được quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi quyết định ký hợp đồng vận tải du lịch với các doanh nghiệp, từ đó có lựa chọn đúng đắn, an toàn”.

Điều 4, Thông tư liên tịch của Bộ GTVT và Bộ VH-TT&DL hướng dẫn về vận tải khách du lịch bằng xe ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận tải khách du lịch quy định: Xe ô tô vận tải khách du lịch phải có:

1. Có biển hiệu “XE VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư liên tịch này.

2. Xe ô tô vận tải khách du lịch phải bảo đảm nội thất và tiện nghi như sau:

a) Xe ô tô dưới 09 chỗ phải có các trang thiết bị bao gồm: điều hòa nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng, bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của lái xe;

b) Xe ô tô từ 09 chỗ đến dưới 24 chỗ, ngoài các quy định tại Điểm a Khoản này còn phải trang bị thêm: rèm cửa chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, thùng đựng rác;

c) Xe ô tô từ 24 chỗ trở lên (trừ ô tô chuyên dụng caravan), ngoài các quy định tại Điểm b Khoản này còn phải trang bị thêm micro, ti vi, nơi cất giữ hành lý cho khách du lịch; có trang thiết bị hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định.

3. Xe ô tô vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe ô tô chuyển đổi công năng không được hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch.

Tác giả: Phước Anh
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP